Ông Kerry tới Jordan thúc đẩy hòa bình Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thủ đô Amman của Jordan để thúc đẩy hòa bình Trung Đông và các vấn đề về Syria và Ai Cập.
Ngày 16/7, tại thủ đô Amman của Jordan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có các cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp nước chủ nhà và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas với nội dung thảo luận tập trung vào tình hình Ai Cập, Syria và những nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine.

[Ngoại trưởng Mỹ liên tục công du khu vực Trung Đông]

Theo nguồn tin quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, tại cuộc gặp với Tổng thống Mahmud Abbas, hai bên đã thảo luận về tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel, thúc đẩy kinh tế Palestine và những diễn biến mới nhất tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết chi tiết về nội dung cuộc thảo luận này.

Trước đó, tại cuộc hội đàm giữa ông Kerry với Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh, người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước đã thảo luận về các tác động của cuộc khủng hoảng tại Syria tới các nước trong khu vực, cụ thể là vấn đề người Syria chạy tị nạn sang các nước láng giềng, trong đó có Jordan.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng đề xuất sẽ tới thăm một trại tị nạn của người Syria tại Jordan, và thảo luận về vấn đề viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng này. Hiện Jordan tiếp nhận khoảng 550.000 người tị nạn Syria.

Dự kiến trong ngày 17/7, Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ có cuộc gặp với Quốc vương Jordan Abdullah II và các quan chức Liên đoàn Arập (AL) để thảo luận về những diễn biến mới nhất tại khu vực.

Đây là chuyến công du thứ sáu của Ngoại trưởng Mỹ tới khu vực nhằm xúc tiến hòa bình giữa Israel và Palestine. Hiện tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn bế tắc do tồn tại những bất đồng về vấn đề đường biên giới, số phận của những người Palestine tị nạn, tương lai các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây...

Trong một diễn biến khác, ngày 16/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích một quyết định mới đây của Liên minh châu Âu (EU) về việc bổ sung thêm một điều khoản bất lợi cho Tel Aviv trong các thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên EU và Ixraen tại Bờ Tây.

Theo quyết định này, kể từ năm 2014, các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, viện trợ đã đạt được giữa các thành viên của EU với các tổ chức, công ty của Israel sẽ không được áp dụng tại vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng tại Bờ Tây. Cụ thể, các nước thành viên EU và các công ty có trụ sở tại eurozone không được phép có quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp Israel tại khu định cư Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Phản ứng trước quyết định trên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã có cuộc họp khẩn với các quan chức hàng đầu trong chính phủ, gồm Bộ trưởng Tư pháp kiêm Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Tzipi Livni, Bộ trưởng Thương mại Naftani Bennet và Thứ trưởng Ngoại giao Ze'ev Elkin.

Về quyết định của EU, ông Netanyahu đã nhấn mạnh tổ chức này cần tập trung vào những vấn đề đáng lo ngại tại khu vực như cuộc khủng hoảng Syria và chương trình hạt nhân của Iran, thay vì chính sách định cư của Israel. Quyết định của EU sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người Israel tại Bờ Tây, cao nguyên Golan và Jerusalem./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục