Ông Vương Nghị: Trung Quốc kêu gọi đối thoại và hợp tác cùng Mỹ

Chánh Văn phòng Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên thiết lập cách tiếp cận hòa hợp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
Ông Vương Nghị: Trung Quốc kêu gọi đối thoại và hợp tác cùng Mỹ ảnh 1Chánh Văn phòng Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/1, trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho rằng nước này và Mỹ cần theo đuổi đối thoại thay vì đối đầu, tránh những sai lầm đã mắc phải trong Chiến tranh Lạnh.

Hôm 30/12, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đã được bổ nhiệm thay ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao nước này.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị được kỳ vọng sẽ giữ vai trò nổi bật trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau khi được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan ban hành quyết sách hàng đầu nước này - hồi tháng 10/2022.

Trong một bài luận được đăng trên tờ Tìm kiếm Sự thật - tạp chí chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Vương Nghị kêu gọi các nước lớn "làm gương" khi đối mặt với nhiều thách thức, viện dẫn mối quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt giữa Trung Quốc với Nga trong năm 2022.

Ông viết: “Trong năm qua, chúng tôi đã không ngừng khám phá con đường đúng đắn để hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ hòa thuận với nhau.”

Ông khẳng định: “Hai nước nên thiết lập cách tiếp cận hòa hợp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, đồng thời đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại đúng hướng lành mạnh và ổn định.”

Nhiệm kỳ Bộ trưởng Ngoại giao của ông Vương Nghị đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington về nhiều vấn đề khác nhau, từ thương mại đến Đài Loan.

Trong bài luận ngày 1/1, ông cho rằng Đài Loan vẫn là "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" và là "nền tảng" xây dựng quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trước đó, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/12/2022, điện đàm trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Vương Nghị cho biết Washington cần phải nghiêm túc xem xét các mối quan ngại chính đáng của Trung Quốc, ngưng kiềm chế và ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là ngưng sử dụng chiến thuật “cắt lát salami” để liên tục thách thức lằn ranh đỏ của Bắc Kinh.

Theo ông Vương Nghị, Washington và Bắc Kinh nên xây dựng dựa trên “những quan điểm thống nhất” mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đạt được trong cuộc gặp gần đây ở Indonesia.

Ông Vương Nghị cảnh báo: “Tâm lý ‘một mất một còn’ sẽ chỉ dẫn hai nước lớn đến va chạm trực diện và tiêu hao lẫn nhau. Và việc ai đúng ai sai đã quá rõ ràng.”

Theo Bắc Kinh, Ngoại trưởng Blinken đã nhắc lại sự tôn trọng của Washington đối với chính sách “Một Trung Quốc” và cho biết nước này “không ủng hộ độc lập của Đài Loan (Trung Quốc).”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm: “Hai nhà ngoại giao cũng trao đổi quan điểm về vấn đề Ukraine. Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn ủng hộ hòa bình.”

[Phó Tổng thống Harris: Cần thiết duy trì kênh liên lạc mở Mỹ-Trung]

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đưa ra thông báo ngắn gọn về cuộc điện đàm, nói rằng ông Blinken đã “thảo luận về sự cần thiết phải duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và xử lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ song phương.”

Ông Blinken cũng “nêu quan ngại về xung đột Ukraine và các mối đe dọa mà nó gây ra đối với an ninh và ổn định kinh tế toàn cầu.”

Trong vài năm qua, quan hệ Trung Quốc-Mỹ đã bị cản trở bởi nhiều vấn đề, trong đó vấn đề Đài Loan. Washington tuyên bố tuân theo chính sách “Một Trung Quốc” và công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này, nhưng mặt khác vẫn tích cực hợp tác với Đài Bắc.

Các chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc), cũng như sự hợp tác quân sự giữa Washington với hòn đảo này đã nhiều lần khiến Bắc Kinh tức giận, coi đây là hành vi can thiệp công việc nội bộ.

Tình hình eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo này vào ngày 2/8.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã vi phạm chính sách "Một Trung Quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục