OPEC: Nga là "người chơi lớn" trên bản đồ năng lượng thế giới

Liên quan vai trò của Nga trong OPEC và các nước đối tác, tân Tổng Thư ký OPEC cho rằng Nga đóng vai trò trọng yếu cho thành công của các thỏa thuận, và OPEC không cạnh tranh với Nga.
OPEC: Nga là "người chơi lớn" trên bản đồ năng lượng thế giới ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu thô của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 31/7, tân Tổng Thư ký của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais đã nêu bật vai trò quan trọng của Nga trong OPEC và các nước đối tác (OPEC+).

Trả lời phỏng vấn trên tờ Alrai của Kuwait, ông Haitham al-Ghais cho rằng Nga đóng vai trò trọng yếu cho thành công của các thỏa thuận. Ông khẳng định OPEC không cạnh tranh với Nga, gọi Moskva là "người chơi lớn và có ảnh hưởng cao trên bản đồ năng lượng thế giới."

Liên quan tới giá dầu, ông Haitham al-Ghais cho biết OPEC không kiểm soát giá dầu, nhưng tổ chức này có vai trò điều chỉnh thị trường về cung và cầu, mô tả trạng thái hiện tại của thị trường dầu là" rất bất ổn và hỗn loạn."

Tuy nhiên, ông cho rằng giá dầu tăng gần đây không chỉ liên quan đến những diễn biến ở Ukraine. Tất cả dữ liệu đều xác nhận rằng giá "vàng đen" bắt đầu tăng dần trước khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukaine.

[Saudi Arabia, Nga thảo luận về hợp tác trước thềm cuộc họp của OPEC+]

Ông al-Ghais nhận định yếu tố quan trọng nhất sẽ là việc tiếp tục thiếu hụt các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoan, thăm dò và sản xuất, cho rằng điều này sẽ đẩy giá dầu đi lên.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh OPEC+ chuẩn bị họp vào ngày 3/8, trong đó nhóm này sẽ cân nhắc việc không thay đổi sản lượng dầu mỏ cho tới tháng Chín, bất chấp lời kêu gọi về việc nâng sản lượng từ Mỹ. Mặc dù vậy, một số nguồn tin cho biết việc tăng sản lượng có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp tới.

Giá dầu đã tăng vọt vào năm 2022 lên mức cao nhất kể từ năm 2008, vượt ngưỡng 139 USD/thùng vào tháng Ba, sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Kể từ đó, giá "vàng đen" đã giảm xuống khoảng 108 USD/thùng do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao hơn làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục