Pakistan phản đối Ấn Độ bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho Kashmir

Vài giờ sau khi Chính phủ Ấn Độ tuyên bố bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir do nước này kiểm soát, ngày 5/8, Chính phủ Pakistan ra tuyên bố chỉ trích quyết định này của New Delhi.
Pakistan phản đối Ấn Độ bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho Kashmir ảnh 1Binh sỹ bán quân sự Ấn Độ gác tại thủ phủ Srinagar, khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 4/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định nước này phản đối tuyên bố được Chính phủ Ấn Độ đưa ra liên quan tới khu vực Kashmir và Jammu.

Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Khu vực Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát là một lãnh thổ tranh chấp được quốc tế công nhận. Không một bước đi đơn phương nào của Chính phủ Ấn Độ có thể thay đổi hiện trạng tranh chấp này, vốn được bảo vệ đặc biệt trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bước đi này cũng sẽ không được người dân ở Jammu và Kashmir chấp nhận."

[Ấn Độ bãi bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho khu vực Kashmir]

Bộ Ngoại giao Pakistan cũng nhấn mạnh với tư cách là một bên trong tranh chấp quốc tế này, Pakistan sẽ áp dụng mọi phương án khả thi nhằm đối phó với những bước đi này của Ấn Độ.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố Chính phủ liên bang sẽ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir và Jammu sau khi Tổng thống Ấn Độ ký sắc lệnh bãi bỏ điều khoản trên.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà chức trách khu vực Kashmir ban bố các biện pháp siết chặt an ninh, theo đó hạn chế các hoạt động công cộng tại vùng lãnh thổ tranh chấp này.

Đây là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp Kashmir trong gần 7 thập kỷ qua.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan hiện đang căng thẳng khi hai bên cáo buộc lẫn nhau tấn công qua Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống.

Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sỹ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục