Palestine: Triển vọng hòa giải giữa Hamas và Fatah vẫn xa vời

Mặc dù vẫn tranh cãi về phân chia lãnh thổ, Hamas và Fatah từ lâu lại cùng dựa vào một khối thống nhất gồm các nước Arab để theo đuổi mục tiêu lớn hơn cho người Palestine: Độc lập khỏi Israel.
Palestine: Triển vọng hòa giải giữa Hamas và Fatah vẫn xa vời ảnh 1Người dân Palestine đi qua cửa khẩu Rafah ở khu vực biên giới phía Nam Dải Gaza, giáp Ai Cập ngày 9/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những năm qua, dư luận đã không còn quan tâm mỗi khi có thông tin dự đoán hai phái Hamas và Fatah tại Palestine sắp hòa giải và nhất trí tổ chức bầu cử chung.

Ngay cả khi hai bên ra những thông báo chính thức về ý định tái hợp thì khả năng hiện thực là rất thấp, bởi hai phe phái chính trị này quá khác biệt về ý thức hệ và đều đã hài lòng về vị trí của họ ở Gaza và Bờ Tây. Vì vậy, tuần trước, khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas một lần nữa cam kết sẽ hòa giải dân tộc và tổ chức cuộc bầu cử mới, thông tin này không thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.

Tuy nhiên, có vẻ như lần này cả hai phái Hamas và Fatah đều có thiện ý nhất kể từ cuộc bầu cử lần trước vào năm 2006.

Ông Abbas đã ấn định 3 ngày cụ thể: Ngày 22/5 bầu cử cơ quan lập pháp, ngày 31/7 bỏ phiếu tổng thống và ngày 31/8 bầu lại Hội đồng Quốc gia Palestine. Đó không phải là một lời hứa suông mà là một chương trình nghị sự rất cụ thể và tham vọng. Dường như cả hai bên đang muốn làm gì đó khi mà làn sóng hòa giải với Israel ở Trung Đông đang tạo ra một thách thức mới đối với nguyện vọng dân tộc của người Palestine.

Mặc dù vẫn tranh cãi về phân chia lãnh thổ và ý thức hệ, Hamas và Fatah từ lâu lại cùng dựa vào một khối thống nhất gồm các nước Arab để theo đuổi mục tiêu lớn hơn cho người Palestine: Độc lập khỏi Israel.

Sáng kiến Hòa bình Arab 2002, theo đó các thành viên tham gia cam kết sẽ chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi nước này rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng vào năm 1967, có vai trò thay thế cho chiến lược lập quốc của Palestine - và cũng là chiến lược cho một nhà lãnh đạo vì đất nước của Palestine.

Tuy nhiên, một số quốc gia Arab lại đang theo đuổi bình thường hóa song phương với Israel, qua đó ảnh hưởng đến vị thế đàm phán chung cho cả nhóm. Các phe ở Palestine không có lựa chọn nào khác ngoài việc cùng đưa ra một chiến lược quốc gia. Việc này đòi hỏi phải có một tổ chức thống nhất và đáng tin cậy. Đó là lý do tại sao lại xuất hiện những tuyên bố nghiêm túc của Hamas và Fatah cũng như về cuộc bầu cử quốc gia.

Nhiều nước trong khu vực ủng hộ cả hai phe đang thúc đẩy cuộc hòa giải. Qatar, nhà tài trợ chính cho Hamas, và Thổ Nhĩ Kỳ đang vận động Hamas, trong khi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã lên tiếng với Fatah. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng sốt sắng như vậy. Ai Cập và Jordan - hai quốc gia có biên giới với Gaza và Bờ Tây - đều tỏ ra lo lắng vì lo sợ sẽ có hỗn loạn và mất kiểm soát ở các khu vực nhạy cảm gần biên giới. Hai nước này sẽ mất nhiều hơn được và đều cảm thấy "ổn" với hiện trạng giữa Hamas và Fatah.

[Địa chính trị tại khu vực Trung Đông ngày càng thực tế hơn?]

Iran cũng vậy. Tehran duy trì mối liên hệ với Hamas và với một số nhà lãnh đạo ở Gaza. Một cuộc hòa giải giữa hai bên sẽ chặn đứng các mối liên hệ này và củng cố ảnh hưởng của một bên là Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, còn bên kia là UAE và Saudi Arabia.

Israel cũng thế. Nước này hầu như không có lợi ích từ việc hòa giải hay từ cuộc bầu cử ở Palestine. Đối với các nhà lãnh đạo Israel, người Palestine mất đoàn kết sẽ tạo vỏ bọc để Israel tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiếm đóng.

Quan điểm của Mỹ và châu Âu vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là sau thất bại của cuộc bầu cử lập pháp Palestine năm 2006. Khi đó Hamas chiến thắng, và phương Tây về cơ bản đã phủ nhận kết quả. Phương Tây khó có mặt mũi nào nếu lặp lại điều này. Nhưng cũng có thể sự lo lắng của phương Tây là thừa thãi. Cuộc bầu cử quốc gia của Hamas và Fatah đang đứng trước những trở ngại về chính trị và hệ thống quá lớn.

Mặc dù Hamas đã nhượng bộ đáng kể khi họ chấp nhận việc bỏ phiếu riêng cho cơ quan lập pháp và tổng thống, nhưng hai bên vẫn bất đồng về cách phân bổ quyền lực giữa hai thể chế này. Chính trị Arab đương đại hầu như luôn ủng hộ hành pháp và điều này không có lợi cho Hamas. Hamas thà giành thắng lợi tại các cuộc bầu cử địa phương nhỏ còn tốt hơn nhiều so với việc một trong các nhà lãnh đạo của họ trở thành nguyên thủ quốc gia của Palestine.

Hai phe vẫn chưa thể thống nhất về một bộ quy tắc chung cho công tác vận động tranh cử hoặc bỏ phiếu. Hamas có thể sẽ yêu cầu một tòa án bầu cử mới chứng nhận kết quả; trong khi ông Abbas (Fatah) sẽ không đồng ý vì điều này sẽ làm giảm quyền lực của ông.

Ngoài ra, quá trình tổ chức bầu cử sẽ khó có thể diễn ra theo cách thông thường, trong bối cảnh Israel đang chiếm đóng và kiểm soát ngặt nghèo các vùng lãnh thổ của Palestine. Việc đi lại đã cực kỳ khó khăn, chưa kể đến việc cả hai phe Palestine đều luôn sẵn sàng sử dụng bạo lực trong khu vực họ kiểm soát. Mà cũng chưa chắc bên thua cuộc sẽ tôn trọng kết quả bầu cử.

Nhiều khả năng là kế hoạch bầu cử sẽ thất bại và những nỗ lực hòa giải sẽ kết thúc với việc các bên lên án và đổ tội cho nhau. Hamas sẽ yên phận ở Gaza và thỉnh thoảng lại phóng tên lửa vào Israel; trong khi ông Abbas sẽ cố gắng khôi phục quan hệ với Mỹ để có thêm viện trợ và tập hợp sự ủng hộ của quốc tế. Không mấy nước có nhu cầu thay đổi nền chính trị ở Palestine và hầu như không còn ai quan tâm tới tình trạng ổn định trong vô vọng của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục