PBoC cam kết duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ kinh tế Trung Quốc

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương nhấn mạnh việc cần phải duy trì tính ổn định giá cả giữa bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao.
PBoC cam kết duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ kinh tế Trung Quốc ảnh 1Đồng nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương hôm 22/4 cam kết duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế đang “hạ nhiệt,” với các biện pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát dịch COVID-19.

Những phát biểu trên được đưa ra trong Diễn đàn châu Á Bác Ngao, qua đó củng cố nhận định rằng PBoC sẽ triển khai các bước nới lỏng chính sách khiêm tốn hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Dịch Cương cũng nhấn mạnh việc cần phải duy trì tính ổn định giá cả giữa bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao.

Giá hàng hóa, thực phẩm và nhà ở đã tăng vọt trên toàn cầu vào năm ngoái.

Xung đột ở Ukraine càng tạo thêm động lực cho lạm phát toàn cầu “leo thang,” đe dọa quá trình phục hồi kinh tế và sự ổn định tài chính trên toàn thế giới.

[Credit Suisse dự báo Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc]

Giữa bối cảnh đó, ông Dịch Cương nhấn mạnh PBoC sẽ đảm bảo bình ổn giá cả, đồng thời lưu ý sản lượng ngũ cốc và nguồn cung năng lượng ổn định sẽ giúp duy trì lạm phát năm 2022 của Trung Quốc trong phạm vi hợp lý.

Những nhà quan sát cho rằng giữa lúc hoạt động kinh tế Trung Quốc có phần chững lại, nước này sẽ sớm cần thêm các biện pháp kích thích nếu chính phủ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% vào năm nay.

Song giới quan sát cũng nói rằng dư địa để nới lỏng chính sách của Trung Quốc có thể bị hạn chế, vì những lo lắng rằng động thái đó có thể thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài và đẩy lạm phát tăng cao.

Hơn nữa, các công cụ truyền thống như cắt giảm lãi suất có thể chỉ có tác động hạn chế nếu người tiêu dùng và các doanh nghiệp vẫn chịu các lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19.

Trái ngược với hầu hết các nền kinh tế lớn đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, Trung Quốc đã tăng cường nới lỏng để hỗ trợ đà tăng trưởng đang chậm lại.

Tuần trước, lần thứ ba trong vòng chín tháng, PBoC cho biết sẽ cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt bược đối với các ngân hàng. Nhưng vào ngày 19/4, PBoC đã khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn.

Các nhà phân tích cho rằng sự thận trọng của PBoC phản ánh những lo ngại về tác động thị trường từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng tới. Động thái đó của Fed có thể thu hút dòng tiền quay trở lại các tài sản có lợi suất cao hơn của Mỹ.

Bên cạnh đó, các bình luận của Thống đốc PBoC được đưa ra khi ngày càng có nhiều nhà phân tích hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc do lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19 kéo dài ở nhiều thành phố lớn.

Những biện pháp chống dịch khắt khe này đã làm tắc nghẽn các đường cao tốc và bến cảng, khiến các công nhân bị mắc kẹt và các nhà máy phải đóng cửa.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 19/4 đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,4%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của Bắc Kinh. Lý do là vì tình trạng phong tỏa vẫn xảy ra trên diện rộng và những gián đoạn về chuỗi cung ứng đi kèm.

Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura hôm thứ Năm cũng điều chỉnh ước tính tăng trưởng năm nay của Trung Quốc từ mức 4,3% xuống 3,9%.

Nomura còn chỉ ra rằng nguy cơ suy thoái đang gia tăng cho kinh tế Trung Quốc, trừ khi chính phủ có thêm các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn sắp tới./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục