Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020) chỉ ra khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối về cả điểm số PCI và PCI gốc ngày càng thu hẹp và xu hướng cải thiện tích cực được duy trì.
Điều này cho thấy cải cách chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành có xu hướng hội tụ. Cụ thể, kết quả chỉ số PCI gốc của tỉnh trung vị PCI 2020 tiếp tục có điểm số trên 60 điểm với thang điểm 100.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, những con số khảo sát cũng chỉ ra dư địa cải cách chất lượng điều hành tại các địa phương là "vẫn còn."
Ưu tiên thu hút đầu tư giảm đáng kể
Theo báo cáo, môi trường kinh doanh tại các địa phương trên cả nước đã bình đẳng hơn và được đánh giá là tích cực khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương ưu ái các doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân đã giảm từ 37,9% (năm 2016) xuống 24,7% (năm 2020).
Bên cạnh đó, hiện tượng chính quyền địa phương ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) hơn so với thu hút đầu tư tư nhân trong nước cũng giảm đáng kể, từ 42,3% (năm 2016) xuống còn 29% (năm 2020).
Về nguồn lực kinh doanh tại địa phương, tỷ lệ ưu tiên, ưu ái cho các nhà đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp có mối quan hệ thân quen cán bộ chính quyền vẫn ở mức “cần phải suy nghĩ.”
Cụ thể, 57,9% doanh nghiệp tư nhân đồng ý với nhận định “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, 53,9% doanh nghiệp tư nhân cho biết sự ưu đãi cho công ty lớn (cả Nhà nước và tư nhân) là cản trở đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, giám đốc dự án PCI, nhấn mạnh hầu hết các địa phương đã thực hiện rất thành công các nhóm cải cách dễ, như đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, công khai thủ tục. Song, tại những nhóm giải pháp khó như minh bạch thông tin, chính sách đất đai thuận lợi, giải quyết tranh chấp hiệu quả, bộ máy liêm chính, điều hành năng động… thì chuyển biến chưa nhiều.
“Điều này cho thấy chính quyền các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân,” ông nói.
84,4% chấp nhận chi phí không chính thức “vừa phải”
Trong báo PCI năm nay, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực hơn về hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng tại các địa phương, khi một loạt các chỉ tiêu đo lường về tham nhũng (như chi phí không chính thức) đã có cải thiện đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức giảm xuống mức 44,9% so với mức 66% của năm 2016.
Tuy nhiên, một thực tế cần phải lưu ý, đó là “văn hóa” kinh doanh của các doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trong nước. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã dần “quen” với việc chi trả các chi phí không chính thức cho chính quyền trong hoạt động, sản xuất kinh doanh và 84,4% doanh nghiệp cho biết họ “chấp nhận được” gánh nặng chi phí không chính thức giảm xuống ở một mức độ như hiện tại.
Song, mức độ phổ biến của chi phí không chính thức được ghi nhận tại báo cáo PCI năm nay là 27,7% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra; 40% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu; 23% doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án.
Khảo sát cũng ghi nhận 32% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai và 54,1% doanh nghiệp cho biết “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.”
Theo ông Tuấn, kết quả điều tra PCI cho thấy xu hướng tích cực của chi phí không chính thức có xu hướng giảm giảm ấn tượng và rõ rệt. Thời gian qua, Đảng đã đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng và cơ chế quản lý nhà nước đổi mới mạnh mẽ, hướng tới công khai, minh bạch và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhưng để khắc phục tình trạng chi phí không chính thức như hiện nay, các địa phương cần có sự vào cuộc nỗ lực của cả bộ máy chính quyền, từ chất lượng văn bản pháp luật rõ ràng, ổn định..., hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và đội ngũ công chức chuyên nghiệp cùng cơ chế giám sát, đánh giá vận hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Những thông tin nào doanh nghiệp khó tiếp cận?
Nguyên nhân của thực thế trên được thể hiện ở việc nhiều chính quyền địa phương thực hiện “đầy đủ” tính công khai, nhưng những thông tin “quan trọng” lại thiếu tính minh bạch,” khi 57,4% doanh nghiệp phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn nhất là tiếp cận các loại thông tin, như về bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%).
Theo ông Tuấn, “việc tiếp cận thông tin quan trọng, bao gồm các tài liệu quy hoạch, đã có sự cải thiện song vẫn còn nhiều dư địa để chính quyền các địa phương tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các loại thông tin quan trọng.”
Theo thang điểm của PCI 2020, việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh và văn bản pháp lý vẫn xung quanh mức 2,5 điểm trên thang điểm 5 (1 điểm: Không thể; 5 điểm: Rất dễ) và tình trạng này chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước đó. Hơn thế, chất lượng thông tin trên website chính quyền các tỉnh (năm 2020) chỉ ở mức 34,5 điểm trên thang điểm 50 và tăng khá nhẹ so với mức 31 điểm (năm 2016).
Báo cáo PCI 2020 cũng phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Hiện, thị trường nội địa bị thu hẹp và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp.
Nguyên nhân là bởi khối doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ yếu hoạt động trong ngành bán buôn/bán lẻ và các ngành dịch vụ khác, do đó khi thị trường nội địa bị thu hẹp dẫn đến khó khăn tìm kiếm khách hàng là lớn nhất (64%), tiếp cận vốn (41%), biến động thị trường (33%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (28%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (25%).
Cụ thể, hơn 87% doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch là “hoàn toàn tiêu cực” lần lượt là 15% với doanh nghiệp tư nhân trong nước và 13% với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, chỉ có 2% doanh nghiệp (trong đó chưa đến 1% là doanh nghiệp FDI) đánh giá COVID-19 có ảnh hưởng “tích cực” và khoảng 11% trong mỗi nhóm nhận định “không bị ảnh hưởng gì.”
Theo “Nhiệt kế doanh nghiệp PCI,” hàng năm các doanh nghiệp tham gia điều tra có chia sẻ kế hoạch kinh doanh của họ trong hai năm tới. Kết quả chỉ ra niềm tin kinh doanh có sự sụt giảm mạnh, chỉ 41% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh và giảm đáng kể so với mức 51% của năm 2019.
“Đây là mức sụt giảm thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2012-2013,” ông Tuấn chia sẻ./.