Phản hồi TTXVN: Tỉnh Thái Bình tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều

Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều.

Hoạt động tu bổ kè bảo vệ phía sông đê Hữu Hoá thuộc các xã Thụy Hưng và Thụy Việt, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Hoạt động tu bổ kè bảo vệ phía sông đê Hữu Hoá thuộc các xã Thụy Hưng và Thụy Việt, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 15/4, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Thái Bình cho biết sau khi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có hai bài viết phản ánh về khó khăn xử lý vi phạm về đê điều tại tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã có Văn bản Số 941/SNNPTNT-TL phản hồi thông tin Thông tấn xã Việt Nam nêu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình khẳng định bài viết đã phản ánh khách quan, trung thực các nội dung liên quan đến những tồn tại trong công tác xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn.

Sở khẳng định công tác xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc như tồn tại do lịch sử để lại, nhiều tuyến đê đi qua khu dân cư.

Nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, quá trình nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều theo tiêu chuẩn thiết kế quy định đã làm cho một số đoạn đê khi nâng cấp, mở rộng lấn vào đất thổ cư, làm nảy sinh vi phạm hành lang đê điều.

Một số văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm chưa thực sự phù hợp thực tiễn.

Khó khăn trong xử lý có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan do nhiều năm trước, công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đất ngoài bãi sông, đất ở trong hành lang bảo vệ đê điều ở một số địa phương còn lỏng lẻo do chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác quản lý đê điều vì nhiều năm không xuất hiện lũ lớn. Từ đó, việc giao, cho thuê đất, cấp phép không tuân thủ các quy định của pháp luật, dẫn đến vi phạm hành lang đê điều và những vi phạm này rất khó giải quyết dứt điểm.

Ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ phương tiện vận tải còn yếu dẫn đến tình trạng xe vượt quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê.

Sự phối hợp giữa lực lượng quản lý đê chuyên trách, quản lý đê nhân dân và các cấp, ngành còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Nhận thức và sự chấp hành các quy định của pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế.

Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thành phố, sở, ngành có liên quan quản lý theo Luật Đê điều; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, Chỉ thị Số 18/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình.

Đối với các vụ vi phạm tồn đọng, tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm, trong đó, tập trung xử lý vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông.

Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm ngay; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền sau khi nhận được biên bản vi phạm hành chính của cơ quan chuyên môn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có loạt hai bài viết “Vi phạm đê điều tại Thái Bình” nội dung phản ánh thực trạng nhiều vi phạm đê điều kéo dài, khó xử lý trên địa bàn và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Loạt bài đề cập đến những biện pháp tỉnh đã thực hiện xử lý tình trạng này. Song tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn là cản trở lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục