Phần lớn người cao tuổi Hàn Quốc không hài lòng với cuộc sống hiện tại

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy chỉ 29,9% những người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên cho biết họ hài lòng với cuộc sống, trong khi con số này ở trẻ em và thanh thiếu niên là 56,6%.

Phần lớn người già Hàn Quốc không hài lòng với cuộc sống. (Ảnh: EPA)
Phần lớn người già Hàn Quốc không hài lòng với cuộc sống. (Ảnh: EPA)

Cuộc khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc vừa công bố cho thấy chưa đến 30% người dân Hàn Quốc 65 tuổi trở lên hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Con số này thấp hơn nhiều so với người trẻ tuổi ở quốc gia Đông Bắc Á. Điều này đi ngược với xu hướng chung của thế giới là tỷ lệ hài lòng với cuộc sống tăng lên khi con người già đi.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo của cơ quan trên cho biết chỉ 29,9% những người từ 65 tuổi trở lên cho biết họ hài lòng với cuộc sống, trong khi con số này ở trẻ em và thanh thiếu niên là 56,6% và những người ở độ tuổi từ 20 đến dưới 60 tuổi là 41,8%.

Mức độ hài lòng chung ở người cao tuổi là thấp khi được xem xét trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm tiếp cận giáo dục, sức khỏe và giải trí, các mối quan hệ cá nhân trong đó có mối quan hệ gia đình và tình bạn, mức thu nhập, chi tiêu và điều kiện làm việc, điều kiện sống và an toàn xã hội cũng như các dịch vụ công cộng.

Chỉ có 11% cho biết họ hài lòng với khả năng chi tiêu hiện tại của mình. Khoảng 16% cho biết họ hài lòng với thu nhập và hoạt động giải trí của bản thân.

Số lượng hộ độc thân trong số những người cao tuổi đang gia tăng, nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng lên của số người cao tuổi. Số người từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên hơn 9,4 triệu người vào năm 2023, gần gấp ba so với 3,3 triệu người năm 2000.

Tỷ lệ nghèo ở những người từ 66 tuổi trở lên ở Hàn Quốc là 39,3% vào năm 2021. Tỷ lệ này được xem xét bởi những cá nhân có thu nhập dưới 50% mức thu nhập trung bình của tổng dân số.

Ngoài những khó khăn về tài chính và thể chất, ngày càng nhiều người cao tuổi gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Hơn 40% số người được hỏi nói rằng họ không có ai để kêu cứu trong các tình huống khẩn cấp, cao hơn nhiều so với mức trung bình được khảo sát là 33%.

Khoảng 25% nói rằng họ không có ai để trò chuyện, trong khi chỉ có 20% ở các nhóm tuổi khác đưa ra câu trả lời tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục