Pháp tố Australia "đâm sau lưng" khi mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chỉ trích việc Australia hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm trị giá 36,5 tỷ USD của Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ là hành động hủy hoại lòng tin.
Pháp tố Australia "đâm sau lưng" khi mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ảnh 1Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Ảnh: Reuters)

Ngày 16/9, Pháp bày tỏ sự giận dữ vì quyết định bất ngờ của Australia khi hủy bỏ một hợp đồng tàu ngầm khổng lồ, mà thay vào đó ưu tiên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, đồng thời gọi động thái này là một sự vi phạm lòng tin.

Phát biểu trên đài phát thanh France Info, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu rõ: "Đó thực sự là một hành động đâm sau lưng. Chúng tôi đã tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với Australia, sự tin tưởng này đã bị phản bội. Hôm nay tôi vô cùng tức giận và cay đắng... đây không phải là việc các đồng minh làm với nhau."

Đề cập đến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã khiến châu Âu bực tức khi đưa ra quyết định không thể đoán trước, ông Le Drian nói thêm: "Quyết định đơn phương, đột ngột và không lường trước được này gợi lại rất nhiều điều ông Trump sẽ làm."

Khi được hỏi liệu Paris đã bị Washington "lừa" về cái ông Le Drian từng gọi là "một hợp đồng thế kỷ" với các xưởng hải quân của Pháp, Bộ trưởng này trả lời: "Phân tích tình hình của các bạn ít nhiều chính xác."

Theo ông Le Drian, Pháp và các đồng minh nước này đã làm việc về "một chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mạch lạc và có cấu trúc" trước sức mạnh khu vực ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

[Australia xác nhận việc không mua tàu ngầm tấn công của Pháp]

Ông nói rõ: "Chúng tôi mới gần đây đã thảo luận điều đó với Mỹ, và tại đây, nó đã đổ vỡ," đồng thời gọi đây là hành động "vi phạm lòng tin to lớn."

Ông Le Drian cho hay: "Chúng tôi sẽ cần những lời giải thích. Chúng tôi có những hợp đồng - những người Australia cần nói với chúng tôi họ định phá bỏ hợp đồng với chúng tôi như thế nào."

Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã gọi sự trở mặt của Australia là "tin tức rất tồi tệ liên quan đến việc giữ lời," đồng thời nói thêm rằng Pháp "sẽ mở to mắt để xem Mỹ đối xử với các đồng minh của nước này ra sao."

Phát biểu với đài RFI cùng ngày, bà Parly nêu rõ: "Về quan hệ địa chính trị và quốc tế, việc này thực sự nghiêm trọng."

Pháp tố Australia "đâm sau lưng" khi mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ảnh 2Một chiếc tàu ngầm của Australia. (Nguồn: AAP Image)

Cả bà Parly và ông Le Drian đều lên án động thái "đáng tiếc" của Canberra, nói rằng nó nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ "một sự tự chủ chiến lược của châu Âu" và "không có cách đáng tin cậy nào khác để bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng tôi trong trên thế giới, bao gồm cả ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Tập đoàn Hải quân của Pháp, một phần thuộc sở hữu của nhà nước, đã được chọn để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường cho Australia, dựa trên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Barracuda của Pháp đang trong quá trình phát triển.

Hợp đồng trị giá khoảng 50 tỷ đôla Australia (khoảng 36,5 tỷ USD) khi được công bố vào năm 2016.

Tuy nhiên, một ngày trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các Thủ tướng của Australia và Anh đã công bố một hiệp ước quốc phòng mới sẽ giúp Canberra có được một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một đặc quyền dành riêng cho một số đồng minh của Mỹ.

Động thái này nhấn mạnh những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Pháp cũng đang tìm cách bảo vệ lợi ích của mình, bao gồm các lãnh thổ hải ngoại New Caledonia và Polynesia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục