Phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Hoàn thiện, thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận văn hóa kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Quang cảnh Diễn đàn. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp)
Quang cảnh Diễn đàn. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Ngày 25/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Diễn đàn Quốc gia Thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề “Văn hóa kinh doanh: Dòng chảy phát triển và hội nhập.”

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng, Nhà nước ta xác định “doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế," đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố, phát huy, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới đã xác định nhiệm vụ: Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi.

Tiếp cận theo hướng này, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp; đồng thời kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của đất nước và con người Việt Nam, gắn với sự phát triển hưng thịnh, bền vững, có trách nhiệm với xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong rằng với sự vào cuộc và hưởng tứng tích cực của các doanh nhân, doanh nghiệp, Diễn đàn năm nay sẽ đưa ra những đề xuất, giải pháp hiệu quả để phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có quy mô, trình độ, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Tại Diễn đàn, phiên tọa đàm và tranh luận với chủ đề “Kinh doanh để làm giàu hay phụng sự xã hội?” đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các khách mời lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn đại diện cho các tổ chức uy tín.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Talentnet, làm giàu và phụng sự xã hội không đối lập mà nên bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.

Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cũng cần phải cân bằng được hai mục tiêu này. Qua đó, họ sẽ có thể tạo ra những giá trị bền vững cho chính mình, cho đất nước và cho thế giới.

“Một chiến lược đúng đắn sẽ giúp nhân viên muốn đóng góp nhiều hơn, và sự đóng góp ấy sẽ đem lại sự phát triển cho doanh nghiệp,” bà Tiêu Yến Trinh nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Đình Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tamda Group - một doanh nghiệp có gần 13 năm hoạt động tại Cộng hòa Séc, cho rằng việc thường xuyên phải làm việc với 600 đối tác và thương hiệu lớn nhỏ tại Séc đã là động lực để doanh nghiệp chú trọng văn hóa kinh doanh, tạo dựng và quảng bá các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam với người dân bản xứ.

Còn theo đại diện Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), ông Phạm Văn Điềm, vẫn còn một số thách thức khi xây dựng những chuẩn mực văn hóa và dung hòa văn hóa khi doanh nghiệp hoạt động trong các thị trường khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Ở góc độ nghệ sỹ, Nhạc sỹ Nguyễn Đức Thịnh, người sáng lập ra Nhà hát VOH Music One, Bảo tàng Nhạc cụ MIM Saigon, cho rằng không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hưởng lợi từ văn hóa.

Để khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư văn hóa, cần có chính sách phù hợp, tuyên truyền để nâng cao nhận thức.

Song song đó, doanh nhân, doanh nghiệp cần thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia hiệu quả vừa đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần lan toả các giá trị văn hóa nhân văn, giàu bản sắc.

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Thịnh đề nghị tạo điều kiện để tư nhân tham gia vào việc phát triển văn hóa; đồng thời có thêm những trung tâm văn hóa để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Dịp này, ban tổ chức đã trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023 cho 20 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tặng bằng khen cho 3 tập thể hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục