Phát huy truyền thống anh hùng xây dựng Thừa Thiên-Huế giàu mạnh

40 năm sau ngày giải phóng, Thừa Thiên-Huế phát huy truyền thống anh hùng, gặt hái thành tựu to lớn, tạo chuyển biến và phát triển toàn diện.
Phát huy truyền thống anh hùng xây dựng Thừa Thiên-Huế giàu mạnh ảnh 1Một góc thành phố Huế. (Ảnh: Hoàng Long/Vietnam+)

Trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên-Huế là chiến trường nóng bỏng, là mắt xích trọng yếu trong cuộc đọ sức giữa ta và địch. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu Quyết chiến quyết thắng và Nhà nước tặng danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường".

Truyền thống đó ngày càng được phát huy để xây dựng quê hương Thừa Thiên-Huế ngày càng giàu mạnh.

40 năm kể từ ngày quê hương giải phóng, Thừa Thiên-Huế đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong xã hội, kế thừa những thành quả của các thời kỳ trước, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực không ngừng, gặt hái được những thành tựu to lớn, tạo sự chuyển biến và phát triển toàn diện.

Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững, bình quân mỗi năm hơn 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực “du lịch, dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm có lợi thế so sánh, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đến nay, du lịch, dịch vụ chiếm 55,3% GDP của tỉnh, công nghiệp-xây dựng chiếm 34,1%, nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 10,6%. Tổng thu ngân sách năm 2014 gần 5.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người gần 2.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khá hoàn chỉnh, mang dáng dấp hiện đại và chống được việc chia cắt giữa các vùng đầm phá, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Nhiều dự án giao thông được tập trung thực hiện, như: hệ thống đường quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường Hồ Chí Minh, đường phía Tây thành phố Huế, các đường tỉnh lộ, đường kinh tế quốc phòng ven biển; hệ thống cầu nội thị Huế, cầu qua phá Tam Giang-Cầu Hai; cảng nước sâu Chân Mây; các hầm đường bộ Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng; sân bay Quốc tế Phú Bài; cửa khẩu A Đớt -Tà Vàng, Hồng Vân-Cô Tài; các công trình trọng điểm về thủy điện như A Lưới, Bình Điền, Hương Điền; các hồ đập thủy lợi Thảo Long, hồ Truồi, Tả Trạch, Thủy Yên-Thủy Cam và nhiều công trình khác...

Việc tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thế và lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết Huế đã phấn đấu trở thành đô thị loại 1, là thành phố di sản thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường, đang từng bước được xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hóa Huế.

Đến nay, toàn tỉnh có thêm 3 đô thị loại 4, 7 đô thị loại 5; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,7%. Các thành phần kinh tế được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển, quy mô sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng cao.

Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng nhanh, du lịch phát triển vững mạnh và ổn định. Nhiều sản phẩm và khu du lịch mới chất lượng cao đã đi vào hoạt động, như khu du lịch nghỉ dưỡng Laguna của Tập đoàn Banyan Tree, Khu du lịch Tam Giang; khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon, Khách sạn Sài Gòn-Morin, Indochine Palace, La Résidence, Làng Hành Hương...

Công nghiệp, nông nghiệp phát triển khá góp phần giải quyết việc làm và tạo động lực cho nền kinh tế; nhiều dự án lớn đã được đầu tư phát triển, như nhà máy Bia Huế, các nhà máy sợi, may, ximăng, chế biến thủy sản; các mô hình trang trại, gia trại... cũng đang hình thành và phát triển.

Thừa Thiên-Huế tổ chức thành công 8 kỳ Festival Huế cùng với các kỳ Festival Nghề truyền thống đã khẳng định vị thế của một thành phố Festival, một trung tâm văn hóa-du lịch đặc sắc của cả nước.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Huế được thực hiện đồng bộ. Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại. Các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật có bước phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế của khu vực miền Trung và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tỉnh tập trung tạo đột phá phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh; lấy dịch vụ-du lịch làm hạt nhân phát triển; phát triển công nghiệp làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển bền vững. Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao nhất lượng cuộc sống người dân và về vật chất lẫn tinh thần.

Nói về truyền thống đấu tranh vẻ vang của Thừa Thiên-Huế trong kháng chiến chống Mỹ, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước đánh giá trong kháng chiến chống Mỹ, Thừa Thiên-Huế là chiến trường nóng bỏng, là mắt xích trọng yếu trong cuộc đọ sức giữa ta và địch.

Đặc biệt, từ sau cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn càng tăng cường phòng thủ, coi chiến trường Trị-Thiên-Huế là vị trí chiến lược then chốt và Cố đô Huế là trung tâm chỉ huy đầu não ở miền Trung. Xác định mất Thừa Thiên-Huế là nguy cơ lớn đối với toàn bộ chiến trường miền Nam nên địch đã ra sức tử thủ, tăng cường lực lượng tinh nhuệ, xây dựng và thiết lập những phòng tuyến quân sự vững chắc, đồn bốt kiên cố, dồn dân, lập ấp chiến lược, ra sức khủng bố phong trào cách mạng.

Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với sức bền, chí lớn với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên, anh dũng chiến đấu ngoan cường, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, không quản ngại mất mát, hy sinh, “Đảng bám dân, dân bám đất, một tấc không đi, một ly không rời”...

Cả nước tự hào về Thừa Thiên - Huế, mảnh đất kiên cường của Tổ quốc đã góp phần vẻ vang vào thắng lợi mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy của miền Nam anh hùng”. Thừa Thiên-Huế vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu Quyết chiến quyết thắng và Nhà nước tặng danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường". Một trong ba lá cờ đầu của miền Nam chống Mỹ cứu nước.

Ngày nay, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, vẻ vang của Đảng, của dân tộc; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khí thế cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 thành sức mạnh tinh thần và phong trào thi đua hành động quyết tâm phấn đấu xây dựng Thừa Thiên-Huế thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về chính trị và quốc phòng an ninh, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục