Phát triển báo chí thành tổ hợp truyền thông

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã nêu bật 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí trong thời gian tới, trong đó có xây dựng mô hình báo chí theo hướng hội nhập, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, trở thành các tổ hợp truyền thông đa phương tiện.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã nêu bật 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí trong thời gian tới, trong đó có xây dựng mô hình báo chí theo hướng hội nhập, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, trở thành các tổ hợp truyền thông đa phương tiện.

Phát biểu tại hội nghị Đánh giá công tác quản lý Nhà nước về báo chí năm 2007-2008 và triển khai những nhiệm chủ yếu trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí 2009-2010, ngày 4/6 ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nêu rõ thời gian tới Việt Nam cần quy hoạch báo in theo hướng tập đoàn, doanh nghiệp và chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch trong truyền dẫn phát sóng phát thanh-truyền hình với tinh thần xã hội hóa, nhất là hạ tầng.

Trong đào tạo nguồn nhân lực, theo Bộ trưởng, cần quy hoạch đào tạo cán bộ chủ chốt, trước hết là đội ngũ Tổng biên tập và trên lĩnh vực quản lý, đồng thời "trẻ hóa, tri thức hóa và chuyên nghiệp hóa", bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho đội ngũ phóng viên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách để quản lý, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí (sửa đổi), hoàn chỉnh văn bản dưới luật.

Đánh giá về tình hình báo chí Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng báo chí đã phát triển rất nhanh trên nhiều mặt, từ đó góp phần nâng cao dân trí và là kênh truyền thông hiệu quả trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân cũng như chuyển những kiến nghị của người dân đến với Đảng, chính quyền.

Tuy nhiên, một số báo vẫn thông tin thiếu chính xác, thiếu chọn lọc, trái với thuần phong mỹ tục hoặc thiếu nhận thức và nhạy cảm chính trị, gây bức xúc cho xã hội.

Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên đề toàn quốc về quản lý nhà nước về báo chí được tổ chức.

Tính đến tháng 5/2009, trên lĩnh vực báo chí in, cả nước có tới 687 cơ quan báo chí với gần 900 ấn phẩm. Trên lĩnh vực phát thanh và truyền hình, cả nước hiện có 67 đài phát thành-truyền hình, trong đó có 3 đài phát thanh-truyền hình ở Trung ương và 64 đài phát thanh-truyền hình địa phương.

Trên lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp.

Cũng tính đến tháng 5/2009, cả nước có trên 16.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục