Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mỗi nơi một mô hình sáng tạo

Nhờ những mô hình tuyên truyền, hỗ trợ sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng người dân nên việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại một số địa phương đã đạt hiệu quả cao.
Cán bộ bảo hiểm xã hội tại Trà Vinh tư vấn về chính sách bảo hiểm cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+
Cán bộ bảo hiểm xã hội tại Trà Vinh tư vấn về chính sách bảo hiểm cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+

Công tác phát triển đổi tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2022 đã gặp không ít khó khăn. Người dân không mấy mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vì thu nhập bị giảm sút vì COVID-19. Thêm vào đó, việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng lên theo chuẩn nghèo mới khiến công tác phát triển đối tượng khó càng thêm khó. 

Trong bối cảnh đó, mỗi địa phương đã linh hoạt, sáng tạo ra các mô hình khác nhau theo đặc thù mỗi khu vực để có thể phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hiệu quả cao.

Nuôi heo đất lo cho tuổi già

Ra đời từ năm 2020, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đã đem lại nhiều hiệu quả. Mỗi chị em hội viên khi tham gia sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hàng ngày bỏ vào con heo đất. Đến kỳ sinh hoạt của chi hội phụ nữ, số tiền này được dùng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để đóng được mức bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất, mỗi ngày các hội viên chỉ phải bỏ heo đất 10.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Tư, Chi hội phụ nữ ấp Rạch Rô 2, xã Nhị Long, huyện Càn Long cho biết bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm mà còn yên tâm, tự tin lo cho tương lai khi về già sẽ có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế nhờ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Không chỉ tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà tôi còn vận động thêm con trai, con gái, con dâu. Tham gia một thời gian tôi thấy có thể lựa chọn mưc đóng phù hợp, rất linh hoạt và tôi không còn phải quá lo lắng khi về già,” bà Tư chia sẻ.

Theo thống kê, đến nay Trà Vinh đã triển khai và nhân rộng mô hình này với 60 tổ tiết kiệm với hơn 800 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh.

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mỗi nơi một mô hình sáng tạo ảnh 1Người dân nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, với sự vận dụng linh hoạt sáng tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiểu Cần, Trà Vinh còn đã mạnh dạn thực hiện cuộc vận động “1+1,” cứ một chi hội trưởng, chi hội phó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho bản thân sẽ vận động thêm một người thân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiểu Cần đã triển khai được 8 cuộc với 120 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và mô hình này hiện đang hoạt động hiệu quả.

Bà Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiểu Cần cho biết: “Mỗi cuộc mình vận động trong nhóm nhỏ khoảng mười đến mười mấy người. Bản thân các chi hội trưởng, chi hội phó đã tham gia trước rồi nên vận động hội viên và nhân dân cùng tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện rất có hiệu quả.”

Giai đoạn 2020-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hơn 300 hội nghị tuyên truyền bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại 9 huyện, thị xã, thành phố với hơn 9.000 lượt người tham dự. Kết quả, năm 2020 đã vận động 632 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, năm 2021 vận động được gần 1.800 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ông Nguyễn Tấn Trung, Giám đốc bảo hiểm xã hội huyện Tiểu Cần cho rằng do thay đổi chính sách về chuẩn nghèo nên số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu tăng cao hơn so với trước đây, điều này khiến việc vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có phần sụt giảm. Trong bối cảnh đó, việc phát triển và duy trì các mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” sẽ càng cần cần duy trì và nhân rộng.

Đảng viên đi đầu phong trào

Trong năm 2022, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đặt ra mục tiêu sẽ vận động được hơn 2200 người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng đã gần hết năm mới chỉ có có hơn 600 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tại Bù Đăng, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế khá thuận lợi vì đây là quyền lợi sát sườn, người dân nhìn thấy ngay sau mỗi lần đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại còn nhiều khó khăn vì thời gian đóng dài.

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mỗi nơi một mô hình sáng tạo ảnh 2Ông Nguyễn Xuân Trường tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng khuyến khích mỗi Đảng viên vận động hoặc đóng cho ít nhất một người nhà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhiều Đảng viên đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho bố mẹ mình. Họ thấy rằng đây là món quà ý nghĩa mà con tặng cho bố mẹ. Số tiền đóng hàng tháng không quá nhiều nhưng bố mẹ khi về già sẽ có lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để đảm bảo cuộc sống, con cháu cũng sẽ yên tâm hơn.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng cho biết việc vận động người dân ở huyện Bù Đăng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không dễ dàng. Tuy nhiên, cùng với cuộc vận động Đảng viên đi đầu trong việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện và sự sát sao của chính quyền huyện, công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện hứa hẹn sẽ được đẩy mạnh, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Ở cấp xã, các cán bộ nơi đây cũng rất linh hoạt, hết mình trong việc phát triển đối tượng, ông Nguyễn Quốc Trường (xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết vừa là nhân viên thu bảo hiểm xã hội vừa làm cán bộ tư pháp xã nên ông Trường có lợi thế thường xuyên tiếp xúc với người dân trong xã. Hơn nữa, ông Trường cũng am hiểu chính sách, pháp luật nên khi tư vấn cho bà con về chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội rất thuận lợi.

“Trong xã hầu hết là bà con dân tộc thiểu số, họ thường đi làm thuê, kiếm tiền sinh hoạt hàng ngày nhưng lại tiêu hết, không có tích góp để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tâm lý 20 năm nữa ai biết sống chết thế nào cũng là rào cản lớn khiến họ không mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện," ông Trường chia sẻ.

Nắm bắt dược tâm lý và hoàn cảnh của từng người dân trong xã, ông Trường đã nhắm vào những người có thu nhập ổn định như công an viên, dân quân tự vệ, người có đất, có vườn, dân quê, doanh nghiệp vừa và nhỏ… để tuyên truyền về chính sách. Những đối tượng này có thu nhập ổn định nên cũng có nhu cầu tích cóp cho tương lai sau này.

Đến nay, ông Trường đã vận động được gần hơn 50 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hầu hết mọi người đều đóng ở mức tối thiểu (297.000 đồng/tháng) và có kế hoạch khi thu nhập cao hơn sẽ đóng ở mức cao hơn.

"Mỗi năm lại có thêm nhiều người tham gia là tín hiệu đáng mừng về sự chuyển biến trong suy nghĩ của người dân xã Bom Bo về bảo hiểm xã hội tự nguyện và việc tích cóp cho tuổi già. Tôi hy vọng rằng những quan điểm tích cực này sẽ lây sang người khác và ngày càng có thêm nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, an hưởng chính sách an sinh xã hội đầy nhân văn của Nhà nước," ông Trường mừng rỡ chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục