Phát triển du lịch bền vững: Cần “Xanh hóa” từ tư duy đến hành động

Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Thực tế đòi hỏi thế giới đang phải chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ trái đất. Nằm trong “quỹ đạo” đó, ngành du lịch Việt Nam đang phải từng bước chuyển đổi Xanh, tập trung xây dựng mô hình du lịch sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống.

Đó cũng là lý do “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” vừa được tổ chức vào sáng nay, ngày 12/4, tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024.

Chuyển đổi Xanh: Cần “Xanh” từ tư duy

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu nhận định, xu hướng du lịch Xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Thế nhưng, ông Siêu cũng nhấn mạnh Xanh ở đây không phải là việc phủ sóng màu sắc mà là quá trình Xanh hóa trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa Xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến Xanh, sản phẩm Xanh và dịch vụ Xanh.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi thay đổi của xã hội, tự nhiên đều tác động đến du lịch. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã gây hưởng nặng nề và tác động tiêu cực đến du lịch, song đồng thời nó cũng tạo động cho du lịch Việt Nam chuyển mình Xanh hóa các loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.

Thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để du lịch Việt Nam chuyển đổi Xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, nhằm chung tay cùng thế giới giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về môi trường, giao nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành tham gia với những hoạt động cụ thể, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

z4770704699162_5a4d28bbecd93527059331253263edf5.jpg
Du khách ngày nay chọn du lịch bền vững với mong muốn đóng góp cho cộng đồng địa phương. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho biết: “Hiệp hội Du lịch đã chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước, thực hiện chuyển đổi Xanh để chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế Xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch Xanh, dịch vụ Xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi Xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả”.

Theo ông Vũ Thế Bình, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, dự kiến sẽ đóng góp khoảng hơn 6,4% cho Tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) trong năm nay. Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ phần lớn vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Chuyển đổi Xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao chất lượng đời sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần bắt đầu từ "quy hoạch Xanh"

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng hiện nay, trước những biến động khó lường của khí hậu, dịch bệnh, du khách cần Xanh nên du lịch phải Xanh. Hơn nữa, chuyển đổi Xanh, du lịch Xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái.

“Trước kia, chúng ta nhìn du lịch là con người, là cái tôi đi du lịch; là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ. Đến nay, 90% khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hóa cộng đồng khi đi du lịch. Đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi Xanh du lịch cũng có nhiều thách thức. Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) có vai trò quan trọng. Theo ông Thành, có 5 trụ cột then chốt trong khung khổ phát triển du lịch bền vững ASEAN: “Tăng trưởng kinh tế bền vững; bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo; hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đa dạng giá trị văn hóa và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, sức khoẻ, an ninh, an toàn”.

vnp_UNDP.jpg
(Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Để quá trình chuyển đổi này hiệu quả và mang lại kết quả bền vững, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Patrick Haverman cho rằng Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề như: quy hoạch Xanh; quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Thực tế, khi bắt đầu hành trình hướng tới một tương lai Xanh hơn, điều quan trọng là phải bắt đầu với “quy hoạch Xanh”. Nói cách khác, các quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch Xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên, đảm bảo quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả, cùng nhiều vấn đề khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia.

Cũng theo ông Patrick Haverman, Việt Nam vẫn còn có nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả công tác quản lý điểm đến du lịch. Bởi quản lý điểm đến là quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để tiếng nói và quan điểm của các thành phần quan trọng này được lắng nghe và phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương.

Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh vấn đề du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp cũng cần được chú trọng, quan tâm. Ông Patrick Haverman đánh giá hiện có một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã bắt đầu quá trình “Xanh hóa” du lịch, giảm rác thải nhựa như Hội An, Quảng Nam, huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh...

Ảnh Minh Hoạ.jpg
Hội An được đánh giá là điểm đến đang làm tốt chuyển đổi Xanh du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, giao thông Xanh cũng có tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch Xanh. Khuyến khích giao thông Xanh trong du lịch sẽ cung cấp thêm các phương tiện giao thông linh hoạt và thân thiện với môi trường cho khách du lịch khi đến các điểm đến.

Để tạo đà, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ và bền vững, ông nhiều ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch Xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ban hành theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021; tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng Xanh, bền vững; ban hành bộ tiêu chí du lịch Xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục