Các đại biểu có cùng quan điểm kinh tế xanh là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển bền vững của các quốc gia, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Bởi bài học của các nước cho thấy kinh tế xanh đem lại lợi ích và ý nghĩa to lớn trong hầu hết các lĩnh vực, gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, quản lý môi trường và tạo công ăn việc làm cho xã hội...
Việt Nam đã ban hành và thực hiện khung chính sách theo hướng “Xanh hóa các ngành công nghiệp hiện hữu” như tiếp tục thực hiện định hướng phát triển bền vững; sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển các dự án cải thiện ô nhiễm, bảo vệ môi trường; chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường tới năm 2015, tầm nhìn 2025...
Việc áp dụng các chính sách và thực hiện các chương trình trên trong những năm qua đã có những đóng góp ban đầu làm xanh hóa các ngành công nghiệp, các hoạt động này sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Thực tế, kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua dù luôn đạt được mức tăng trưởng cao với những con số GDP ấn tượng nhưng mức tăng trưởng này không tính đến những chi phí do suy giảm tài nguyên và thiệt hại môi trường gây tổn hại cho nền kinh tế.
Để Việt Nam có sớm có nền kinh tế xanh, bền vững, theo đại biểu của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ nên lưu ý xem xét và giải quyết các vấn đề về khả năng giám sát thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, lồng ghép yếu tố môi trường vào quy hoạch phát triển, phát triển khoa học công nghệ và đề cao tiêu dùng xanh.
Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững đưa ra ý kiến rằng phát triển kinh tế xanh, bền vững trước hết cần ưu tiên cho các lĩnh vực sau: phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng hệ thống giao thông bền vững xây dựng các tòa nhà hiệu quả, khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất và quản lý sử dụng nguồn nước sạch, đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng sinh thái và phát triển du lịch; tăng cường đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sinh khối, năng lượng thay thế.
Viện này cũng đề nghị cần sớm điều chỉnh và xây dựng hệ thống luật pháp phù hợp với tập quán quốc gia và phù hợp với thông lệ quốc tế theo xu hướng phát triển kinh tế xanh. Hệ thống pháp lý toàn diện và cụ thể sẽ là cơ sở tốt cho việc đưa ra các chính sách quản lý phát triển kinh tế phù hợp ở các cấp, các ngành.
Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng cần phải thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện quá trình “công nghiệp hóa sạch;” tập trung nỗ lực để xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Nhiều đại biểu đề xuất, Chính phủ cần có những biện pháp chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài, hỗ trợ về kỹ thuật cũng như tài chính từ cộng đồng quốc tế cho các khu vực kinh tế xanh.
Đồng thời, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững đòi hỏi sự cam kết của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; kết hợp phát huy nội lực với hợp tác quốc tế, đặc biệt cần thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đây chính là bước đi quan trọng để thức đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam./.