Phát triển nhà thuê cho học sinh - sinh viên

Theo Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, đến năm 2015 quy mô đào tạo của cả mạng lưới sẽ đạt khoảng 3 triệu người (chưa kể số học sinh - sinh viên của các trường dạy nghề) và đến năm 2020 là 4,5 triệu người.

Theo Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, đến năm 2015 quy mô đào tạo của cả mạng lưới sẽ đạt khoảng 3 triệu người (chưa kể số học sinh - sinh viên của các trường dạy nghề) và đến năm 2020 là 4,5 triệu người.
 
Do đó, việc xây dựng các khu nhà ở tập trung theo cụm, khu vực, đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho học sinh - sinh viên, tạo chỗ ở ổn định, tiện lợi, mang lại sự an tâm cho các gia đình có con em đi học là hết sức cần thiết.
 
Để tạo bước đột phá trong việc phát triển nhà ở cho học sinh - sinh viên thuê, trước mắt, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cho phép Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hoàn tất thủ tục, sớm khởi công xây dựng các dự án này ngay trong năm 2009, hoàn thành vào năm 2011, cung cấp 200.000 chỗ ở cho học sinh - sinh viên với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
 
Đặc biệt, những dự án đầu tư nên được phép thực hiện hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công xây lắp với tỷ lệ tiết kiệm theo quy định để rút ngắn thời gian chuẩn bị và thực hiện đầu tư.
 
Ngoài các ưu đãi về quỹ đất, nguồn vốn, Bộ Xây dựng cho rằng các dự án phát triển nhà ở cho học sinh - sinh viên cần được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất 1,5 lần; đặc biệt, giá cho thuê nhà ở học sinh - sinh viên được xác định theo nguyên tắc chỉ tính đủ các chi phí quản lý, vận hành và bảo trì.
 
Chủ đầu tư dự án nhà ở học sinh - sinh viên được thành lập, tổ chức cung cấp dịch vụ nhà ở và các dịch vụ khác trong khu ở để tạo nguồn kinh phí bù đắp chi phí quản lý vận hành, bảo trì và giảm tiền thuê nhà.
 
Theo Đề án giải quyết chỗ ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đến năm 2010 sẽ bố trí cho khoảng 60% tổng số sinh viên dài hạn tập trung có nhu cầu nội trú được ở trong ký túc xá với diện tích bình quân khoảng 3m2/người.
 
Tuy nhiên, số lượng các cơ sở đào tạo cũng như số lượng học sinh - sinh viên vẫn tiếp tục tăng nhanh. Trong khi đó, việc bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng ký túc xá gặp nhiều khó khăn nên đến nay mới chỉ có khoảng 22% số học sinh - sinh viên có nhu cầu được ở trong ký túc xá./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục