Phát triển thủy sản: Hơn 40.000 người thoát nghèo

Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản của Đan Mạch đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho 43.185 người và tăng thu nhập cho các hộ nghèo.

Sáng ngày 21/12, tại Hà Nội,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II 2006-2012 (FSPSII).

Tại hội nghị, Giám đốc Ban quản lý chương trình FSPS II, ông Võ Văn Sơn đánh giá, sau 6 năm thực hiện, về cơ bản chương trình đã đạt được các mục tiêu chính đề ra, thúc đẩy sản xuất thủy sản bền vững thông qua tăng cường năng lực quản lý của ngành, đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản, tăng cường kiểm soát chất lượng thủy sản sau thu hoạch... “Đặc biệt, chương trình đã tạo thêm việc làm cho dân cư tại những khu vực nghèo nhất thuộc tám tỉnh mục tiêu, góp phần trong công tác xóa đói, giảm nghèo.” Ông Võ Văn Sơn nói. Trong 6 năm thực hiện, chương trình đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho 43.185 người nghèo. Trung bình một hộ nghèo sau khi tham gia tập huấn có thu nhập tăng từ 5,9 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 8,4 triệu đồng/năm (2012). Bên cạnh đó, chương trình đã cải thiện điều kiện sau thu hoạch, nâng cao an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… để từ đó tăng giá trị sản phẩm thủy sản, nhờ đó Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba trên thế giới. Hiện tại, có 136 quốc gia đang nhập khẩu các sản phẩm thủy sản chất lượng từ Việt Nam. Mặt khác, khoảng 30% đạm động vật tiêu thụ ở Việt Nam là từ sản phẩm thủy sản, vì vậy, việc tăng cường chất lượng thủy sản đã góp phần đem lại nguồn dinh dưỡng tốt hơn cho người Việt Nam. Phát biểu tại hội nghị, Đại Sứ Đan Mạch ông John Nielsen cho biết: “20 năm hợp tác trong lĩnh vực thủy sản đã đạt được thành công trên nhiều khía cạnh. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ ba trên thế giới và đạt doanh thu xuất khẩu thủy sản 6,1 tỷ USD. Đây là nền móng để Việt Nam và Đan Mạch xây dựng quan hệ đối tác thương mại vì lợi ích của hai nước.” Tuy nhiên, ông John Nielsen  cũng nhấn mạnh, vẫn còn có những thách thức về môi trường, về khả năng bị tổn hại do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nguy cơ dịch bệnh trong ngành thủy sản. Đồng tình với quan điểm của ông John Nielsen, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ông Vũ Văn Tám cũng cam kết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì và phát huy các kết quả của chương trình, đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành thủy sản, tiếp tục phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Năm 1993, Đan Mạch đưa Việt Nam vào danh sách nhận viện trợ thường xuyên, tổng viện trợ không hoàn lại của Đan Mạch đến nay đạt gần 800 triệu USD. Mỗi năm, Đan Mạch viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng trên 60 triệu USD.

Riêng ngành thủy sản, từ năm 1993 đến nay, Đan Mạch đã hộ trợ Việt Nam hơn 100 triệu USD.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục