Theo thông tin từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), phiến quân có vũ trang thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thảm sát hàng trăm binh sỹ người Iraq bị bắt giữ sau khi những kẻ cực đoan này tấn công một căn cứ quân sự ở phía bắc thủ đô Baghdad hồi tháng Sáu.
Sự việc xảy ra trại không quân Speicher, một căn cứ quân sự từng được quân đội Mỹ sử dụng, là một trong những hành động tàn bạo nhất của IS trong cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm chiếm giữ những vùng bị chia cắt lớn ở phía bắc và phía tây Iraq.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, đã có bằng chứng mới chứng tỏ những kẻ thuộc IS đã tàn sát 560 tới 770 binh sỹ tại trại Speicher gần thành phố Tikrit, tức là lớn hơn tới vài lần so với con số công bố trước đó.
"Mức độ tàn bạo của IS đã đủ để chứng minh đây là những tội ác chống lại quyền con người," Fred Abrahams, cố vấn đặc biệt của HWR cho biết.
Hồi giữa tháng Sáu vừa qua, tổ chức khủng bố này khẳng định đã "hành hình" khoảng 1.700 binh sỹ và sỹ quan quân đội của trại Speicher. Những kẻ khủng bố còn cho đăng tải những hình ảnh các binh sỹ Iraq bị dồn lên ôtô tải, ép nằm úp mặt xuống những hào nước nông với đôi tay bị trói chặt sau lưng, sau đó bị các tay súng tàn sát. Những hình ảnh khủng khiếp và con số người bị giết khi đó không thể được xác minh.
Cuối tháng Sáu, sau khi phân tích ảnh chụp và hình ảnh vệ tinh, HWR cho rằng có từ 160-190 người bị giết tại ít nhất hai địa điểm trong khoảng thời gian 11-14/6.
Sau khi vụ việc xảy ra, các binh sỹ được đưa vào danh sách những người mất tích, khiến gia đình của họ biểu tình ở Baghdad nhằm tạo áp lực để chính quyền đưa ra lời giải thích cho số phận của họ. Hôm thứ Ba vừa rồi, nhiều gia đình giận dữ đã tràn vào tòa nhà quốc hội ở "Vùng Xanh" (Green Zone) của thủ đô Baghdad sau khi xô xát với lực lượng bảo vệ. Họ cũng buộc các nhà chức trách tổ chức một cuộc họp vào thứ Tư về số phận các binh sỹ bị bắt giữ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết con số các binh sỹ bị sát hại mới công bố là dựa trên phân tích các hình ảnh mới từ vệ tinh, các đoạn video quân sự và lời khai của một người may mắn sống sót khẳng định có thêm 3 địa điểm hành quyết tập thể khác. Con số các nạn nhân có thể sẽ còn tăng lên khi các bằng chứng khác được tìm thấy.
Tại cuộc họp của Quốc hội, gia đình các nạn nhân buộc tội chính phủ đã bán mạng con trai họ bằng việc ra lệnh cho nhiều người rời vị trí và mặc thường phục rời trại. Tuy nhiên quyền Bộ trưởng bộ Quốc phòng Saadoun al-Dulaimi phủ nhận mọi mệnh lệnh bỏ mặc trại Speicher.
Cũng trong ngày thứ Tư, phái viên Liên hợp quốc ở Iraq đã đề nghị chính phủ Iraq tiến hành một cuộc điều tra độc lập và công khai về số phận các binh sỹ mất tích và khả năng thu hồi xác những người đã thiệt mạng. Cuộc điều tra này "cần phải xác đinh được địa điểm và danh tính những người có thể đã thiệt mạng và phải nỗ lực hết sức để đảm bảo bất cứ ai đang còn bị giam giữ được thả ra", theo phái viên Nickolay Mladenov.
Trong bài phát biểu hàng tuần, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cho biết các "thủ phạm" của vụ thảm sát tại trại Speicher đã bị bắt hoặc bị giết và "lực lượng an ninh đang theo dấu những kẻ còn lại".
Những cuộc tấn công của tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo đã khiến lực lượng an ninh và quân đội Iraq phải choáng váng khi những kẻ cực đoan thắng thế và lần lượt chiếm đóng các thành phố và thị trấn chủ chốt. Những kẻ khủng bố còn nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số như người Thiên Chúa giáo hay người theo đạo Yazidi cổ, khiến 10 ngàn người mất nhà cửa. Kể từ đó, IS đã xây dựng một thể chế Hồi giáo tự xưng tại một vùng rộng lớn do tổ chức này kiểm soát trải dài trên biên giới Iraq-Syria.
Hồi đầu tháng Tám vừa rồi, Mỹ đã tổ chức các cuộc không kích nhắm vào IS tại Iraq nhằm giúp các lực lượng ở đây chống lại mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên mới đây, hôm thứ Ba, IS lại công bố một đoạn video mới quay cảnh hành hình nhà báo Mỹ thứ hai, Steven Sotloff, và cảnh báo tổng thống Obama rằng việc tiếp tục không kích IS sẽ làm tăng số con tin phương Tây mất mạng. Đoạn video này được công bố chỉ 2 tuần sau vụ hành quyết nhà báo James Foley./.