Phim Việt cần hệ thống PR tốt hơn để "ra" thế giới

Ông Đỗ Duy Anh - Trưởng ban quốc tế Cục Điện ảnh Việt Nam trả lời phỏng vấn Vietnam+  về cách thức để đưa phim Việt Nam ra thế giới.
Thời gian gần đây, mặc dầu có những phim khá thành công và gặt hái giải thưởng trong một số Liên hoan phim quốc tế, nhưng số lượng phim âm thầm trở về ngay từ vòng loại cũng vẫn nhiều. Chưa nói đến "giấc mơ xa vời" về một Oscar, việc có giải cao ở các  Liên hoan phim  quốc tế lớn vẫn là niềm "khắc khoải" của điện ảnh Việt Nam...

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Duy Anh - Trưởng ban quốc tế Cục Điện ảnh Việt Nam xung quanh vấn đề phim Việt ra thế giới.

- Theo ông, nhận xét “Phim Việt Nam phải đi vào số phận con người và làm với tay nghề cao mới … thắng ở quốc tế” đúng ở mức nào?

Ông Đỗ Duy Anh: Phim truyện bao giờ cũng có nhân vật, và có nhân vật tức là có số phận con người. Phim Việt Nam cũng vậy. Theo tôi biết, các nghệ sỹ điện ảnh trên thế giới cũng như các nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam không ai làm phim chỉ là để gửi đi dự các liên hoan phim quốc tế và giành giải thưởng, mà ngược lại họ làm phim trước hết là để phản ánh những vấn đề cuộc sống, thân phận của nhân dân nước họ, về những vấn đề xã hội của đất nước, dân tộc họ và phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân nước họ đã, rồi mới nghĩ đến chuyện gửi đi tham dự các các liên hoan phim quốc tế.
 
Phim muốn giành được giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế trước hết cần phải đáp ứng được tiêu chí của từng liên hoan phim. Sau đó là phải có nội dung sâu sắc, ngôn ngữ điện ảnh phải được thể hiện ở trình độ nghệ thuật cao, có tìm tòi, sáng tạo và cuối cùng, phim phải đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Phim Việt Nam, nhiều khi chưa đáp ứng được yếu tố về kỹ thuật.

Gần đây, một số phim của ta được làm hậu kỳ trong nước cũng đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật, đặc biệt có một số phim làm hậu kỳ ở nước ngoài đã đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế. Tôi tin là trong tương lai, phim của Việt Nam sẽ được đánh giá cao hơn tại các liên hoan phim quốc tế.

- Một đạo diễn từng có phim đoạt giải nhận xét với thế giới, phim Việt gây sự tò mò vì  là "của lạ," quan điểm của ông thế nào?


Ông Đỗ Duy Anh: Tôi không nghĩ vậy. Tôi đã làm công tác đối ngoại ở ngành điện ảnh hơn 20 năm rồi, đã từng làm thủ tục cho rất nhiều phim Việt Nam đi tham dự các liên hoan phim quốc tế, tôi rất khâm phục và kính trọng tài năng sáng tạo của các nghệ sỹ điện ảnh của chúng ta.

- Thưa ông Đỗ Duy Anh, thực tế bản thân các nhà làm phim thương mại không nhằm hướng đến Liên hoan phim quốc tế và còn có ý kiến cho rằng gửi phim đến các Liên hoan phim quốc tế  rất dễ mất bản quyền, ý kiến của ông thế nào?

Ông Đỗ Duy Anh: Quan điểm của cá nhân tôi, tôi không phân biệt phim thương mại và phim nghệ thuật. Ngày nay trên thế giới, điện ảnh được coi là một ngành công nghiệp. Vì thế, trong một sản phẩm điện ảnh phải đồng thời chứa đựng cả hai yếu tố vừa nghệ thuật vừa thương mại.

Bất cứ phim nào có nội dung hay, được khán giả trong nước đón nhận nồng nhiệt, đều có thể gửi đi tham dự các liên hoan phim quốc tế. Còn về bản quyền của phim, theo tôi biết, tại các liên hoan phim quốc tế, vấn đề bản quyền phim được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

- Có đạo diễn cho rằng chúng ta mới chỉ là "áo gấm đi đêm,” nhưng thực tế trừ phim đã được giải, phim Việt Nam gửi đi không mấy được thừa nhận, có khi đã bị trả về như gần đây. Theo ông đâu là nguyên nhân chính của việc đó thưa ông?

Ông Đỗ Duy Anh: Tại sao lại gọi là “áo gấm đi đêm” được? Chúng ta gửi phim đi tham dự các liên hoan phim quốc tế bao giờ cũng có lời mời rất đàng hoàng.

Tuy nhiên, trong một liên hoan phim quốc tế có rất nhiều hạng mục, nhưng hạng mục dự thi tranh giải thì lại rất nhỏ, thường mỗi liên hoan phim chỉ chọn từ 10 đến 15 phim trong số hàng trăm phim gửi đến đăng ký dự thi thôi.

Vì thế, nếu phim của ta được chọn hoặc không được chọn thì cũng là việc bình thường, chứ sao lại nói là “bị trả về”? Cứ gửi phim đi là được chọn và giành được giải thưởng thì mới là điều không bình thường.

- Thời gian chuẩn bị cho phim Việt dự Liên hoan phim thường khá cập rập nên những việc chuẩn bị để PR phim tại liên hoan cũng  không được chu toàn. Chúng ta chưa có một hệ thống để có thể hỗ trợ cho những sự kiện như thế, xin cho biết giải đáp của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Đỗ Duy Anh: Trong những năm gần đây, Cục Điện ảnh mỗi năm trung bình gửi phim Việt Nam đi dự khoảng trên dưới 10 liên hoan phim quốc tế và rất nhiều tuần phim Việt Nam ở các nước.

Vấn đề là, sản lượng phim hàng năm của chúng ta vẫn còn ít (trung bình cả nước mỗi năm chỉ sản xuất được 12-15 phim truyện nhựa), chất lượng phim không đồng đều, nên việc lựa chọn phim đôi khi gặp khó khăn.

Tuy nhiên, gần đây, nhờ có chính sách xã hội hóa, nên tôi thấy ở Việt Nam đã có một vài công ty làm PR rất tốt cho phim Việt Nam tại các liên hoan và hội chợ phim quốc tế.

Ví dụ như Công ty BHD, tôi thấy họ thường xuyên gửi phim Việt Nam đi tham dự các liên hoan phim quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới và ở đâu họ cũng có những gian hàng giới thiệu phim của các hãng sản xuất phim Việt Nam, thậm chí là tại các liên hoan phim lớn như Cannes, Venice, Berlin, Pusan, Tokyo, Thượng Hải, Toronto…

- Tại các Liên hoan phim lớn như Venice, điện ảnh Việt Nam chưa phải là cái tên được chú ý. Hàng nghìn nhà báo quốc tế tại Venice chỉ chú ý đến các phim tranh giải chính thức, các phim của các đạo diễn danh tiếng có nhiều ngôi sao tham gia. Vậy, Cục Điện Ảnh có chiến lược cụ thể nào để gây ấn tượng về phim của ta khi đi tham dự những liên hoan như vậy?

Ông Đỗ Duy Anh: Theo Điều 6 của Luật Điện ảnh, Thủ tướng sẽ thành lập một Quỹ phát triển điện ảnh. Một khi quỹ này đi vào hoạt động, thì ngành điện ảnh có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư sản xuất phim và tất nhiên sẽ kéo theo những điều kiện thuận lợi để gửi phim Việt Nam đi tham dự các liên hoan phim quốc tế.

Sau sự kiện Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất vừa qua, với sự có mặt của những nhân vật nổi tiếng trong làng điện ảnh thế giới, tôi tin rằng, hình ảnh và ấn tượng của điện ảnh Việt Nam đã được nâng lên một bước rõ rệt trên trường quốc tế.

Vấn đề là, chúng ta cần có những tác phẩm hay, vừa thỏa mãn được khán giả trong nước, vừa thu hút được sự quan tâm của bạn bè quốc tế, khi đó điện ảnh của chúng ta sẽ có tiếng nói và vị trí xứng đáng trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

- Xin ông cho biết một số thông tin “nóng” về phim Việt ra nước ngoài trong thời gian này và tới đây? Chúng ta có hy vọng gì không, thưa ông?

Ông Đỗ Duy Anh: Thời điểm này cũng đã là cuối mùa liên hoan phim quốc tế rồi. Tuy nhiên, bộ phim “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đang tham dự Liên hoan phim quốc tế Tokyo và bộ phim “Long Thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn sẽ được gửi đi tham dự Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương ở Đài Loan.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục