Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền

Có tới 43,1% số thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên môn Ngoại ngữ tập trung ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh. 59 tỉnh còn lại, trung bình mỗi tỉnh chiếm chưa tới 1%.
Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 1Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia giáo dục, phổ điểm “lạc đà” với hai đỉnh thay vì một đỉnh như phổ điểm thông thường của môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 đã thể hiện sự chênh lệch rất lớn trong dạy và học môn ngoại ngữ giữa các vùng miền.

Phó giáo sư Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng phổ điểm môn Ngoại ngữ dường như là phép cộng của hai phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.

Đối sánh phổ điểm giữa các địa phương càng cho thấy sự khác biệt này.

4 thành phố lớn chiếm 43% điểm 9, 10

Dữ liệu điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tổng số thí sinh có điểm môn Ngoại ngữ đạt 10 điểm của cả nước là 4.345 em, trong đó Hà Nội có 1.228 em, chiếm trên 28%, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 16%.

Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 2Phổ điểm môn Ngoại ngữ Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tổng số thí sinh có điểm môn Ngoại ngữ từ 9 điểm trở lên của cả nước là 101.778 em, riêng Hà Nội đã có 20.741 em, chiếm tỷ lệ 20,7%; Thành phố Hồ Chí Minh có 17.266 em, chiếm gần 17%.

Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 3Số thí sinh đạt điểm 10 môn Ngoại ngữ của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Tổng số thí sinh có điểm 9 trở lên môn Ngoại ngữ ở 4 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng là 42.905 em, chiếm tới 43,1% tổng số thí sinh có điểm 9 trở lên môn Ngoại ngữ của cả nước. Theo đó, tổng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên ở môn này của 59 tỉnh thành còn lại chỉ chiếm 56,9%, trung bình mỗi địa phương chưa được 1%.

Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 4Số bài thi đạt điểm 9 trở lên của bốn thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương còn lại.

Tổng số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên ở môn Ngoại ngữ của 4 thành phố này cũng chiếm tới 39,1% trong tổng số 208.745 thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên ở môn Ngoại ngữ của cả nước, trong đó riêng Hà Nội chiếm gần 16,7%, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 16,94%.

Trong khi phổ điểm môn Ngoại ngữ ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng có độ lệch phải lớn thì biểu đồ phổ điểm môn Ngoại ngữ ở các tỉnh còn nhiều khó khăn lại hoàn toàn lệch trái về phía điểm dưới trung bình.

Phổ điểm môn Ngoại ngữ của tỉnh Lai Châu chủ yếu rơi vào ngưỡng từ 3,6 đến 5,6 điểm, với đỉnh là 4,8 điểm. Phổ điểm môn Ngoại ngữ của Hà Giang cho thấy đa số thí sinh ở mức 2,2 đến 4,2 điểm, đỉnh phổ điểm là 3 điểm. Tương tự, phổ điểm môn Ngoại ngữ của Điện Biên chủ yếu ở khoảng 2,8 đến 5 điểm, lập đỉnh ở 3,6 điểm. Đây cũng là dạng phổ điểm của nhiều tỉnh khác như Sóc Trăng, Trà Vinh…

“Phép cộng của hai phổ điểm chuẩn,” theo nhận định của phó giáo sư Mai Văn Trinh, đã tạo thành một phổ điểm với hình dáng được cho là “kỳ lạ” với hai đỉnh khác nhau - một rất thấp, một rất cao - của phổ điểm môn Ngoại ngữ năm nay.

Sự chênh lệch về điểm số giữa các thí sinh khu vực khó khăn và thuận lợi ở môn Ngoại ngữ thậm chí thể hiện ngay trong biểu đồ phổ điểm của nhiều tỉnh, thành phố, những nơi có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn Ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 5Phổ điểm môn Ngoại ngữ của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 6Phổ điểm môn Ngoại ngữ của tỉnh Hà Giang.

Các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hà Tĩnh… đều có biểu đồ phổ điểm môn Ngoại ngữ với hai đỉnh và đều có sự tương đồng về mức điểm của các đỉnh. Đỉnh thứ nhất ở quãng từ 3,4 đến 4 điểm; đỉnh thứ hai rơi vào 9 đến 9,4 điểm. Tuy nhiên, số lượng bài thi tập trung ở đỉnh thấp nhiều hơn ở đỉnh cao, số thí sinh đạt điểm thấp nhiều hơn số thí sinh điểm cao. Tại Nghệ An, số bài thi ở đỉnh 3,4 điểm là 1.640 bài thi, trong khi ở đình thứ hai của phổ điểm, mốc 9,2 điểm, là 566 em. Tại Lạng Sơn, số bài thi đạt 3,4 điểm - đỉnh thứ nhất của phổ điểm, là 399 bài thi, trong khi số bài thi đạt 9 điểm- mốc đỉnh thứ hai của phổ điểm, là 120 em.

Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 7Phổ điểm môn Ngoại ngữ của Hà Nội.

Phổ điểm môn Ngoại ngữ của Hà Nội cũng lập hai đỉnh rõ rệt với một đỉnh ở ngưỡng 3,2 điểm và một đỉnh ở ngưỡng 9,4 điểm. Thủ đô có số lượng lớn thí sinh điểm cao nhưng cũng có rất nhiều em điểm thấp.

Cần giải pháp cho từng khu vực

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ cần bóc tách dữ liệu điểm thi để tìm nguyên nhân của tình trạng trên.  

Ông Mai Văn Trinh cho hay để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi.

Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy điểm trung bình của nhóm thí sinh thuộc vùng miền có khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… thấp hơn vùng thuận lợi và phổ điểm gần với phổ điểm chuẩn. Các thí sinh khu vực này vốn đã khó khăn trong điều kiện học tập, ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hai năm qua càng khiến việc học ngoại ngữ của các em khó khăn hơn.

Nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn có kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.

[Thi tốt nghiệp THPT: Phổ điểm 'kỳ lạ' của môn Ngoại ngữ]

“Từ việc phân tích như vậy cho thấy rằng, đề thi môn Tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn,” ông Trinh nói.

Phổ điểm lạ môn Ngoại ngữ và bài toán chênh lệch giáo dục vùng miền ảnh 8Học sinh trong giờ học ngoại ngữ. (Ảnh: TTXVN)

Cũng theo ông Trinh, chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ trong trường phổ thông thời gian gần đây đang được chú trọng, đầu tư hơn, xu hướng đổi mới dạy học ngoại ngữ đã thu hút nhiều học sinh đầu tư vào học tiếng Anh. Số lượng học sinh dùng điểm thi môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều, trong đó có cả trường tốp cao.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh phấn đấu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ uy tín để sử dụng tuyển sinh trong nước và du học nước ngoài. “Điều này dẫn đến có nhiều học sinh đạt kết quả cao môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi năm nay,” ông Trinh nói.

Tuy nhiên, theo một giáo viên Ngoại ngữ tại Hà Nội, việc thí sinh các khu vực thuận lợi, nhất là ở các thành phố lớn đạt điểm cao chủ yếu do đa số các phụ huynh đều cho con đi học thêm ngoại ngữ, trong khi đề thi năm nay giảm độ khó so với mọi năm. Cũng do đề thi giảm độ khó nên sự chênh lệch vùng miền càng lộ rõ qua kết quả điểm thi.

Theo đó, việc đánh giá chất lượng dạy và học môn học này phải dựa trên các khu vực ngoài thành thị. Theo đó, với 40,27% thí sinh cả nước đạt dưới trung bình môn Ngoại ngữ đã phản ánh chất lượng dạy và học môn này trong các nhà trường chưa hiệu quả như mong đợi.

"Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phân tích, đánh giá thật cụ thể cho từng khu vực, từ đó có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn để nâng chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ ở nơi còn khó khăn," giáo viên này khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục