Phó Thủ tướng: Không xây dựng nông thôn mới một cách hình thức

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành đôn đốc các địa phương kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tự thỏa mãn với thành tích đã đạt.
Phó Thủ tướng: Không xây dựng nông thôn mới một cách hình thức ảnh 1Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ thực hiện đến hết năm 2020; định hướng giai đoạn 2021-2025.

Nghiên cứu sửa đổi tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.

Đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019. 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã.

127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 19,1%).

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền.

Đến nay, vẫn còn 45 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố còn "trắng" xã đạt chuẩn nông thôn mới; 18 tỉnh, thành phố chưa có đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 9 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp (dưới 30%).

Trên cơ sở kết quả của Chương trình giai đoạn 2011-2020, Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tiếp theo đang được lấy ý kiến, sửa đổi, bổ sung.

Theo báo cáo, Bộ tiêu chí cơ bản giữ nguyên kết cấu 19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới cấp xã, 9 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện.

Bên cạnh đó là điều chỉnh, bổ sung nội hàm một số chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp với chính sách pháp luật giai đoạn 2021-2025; tập trung xây dựng mới Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Bộ tiêu chí mới sẽ tăng cường phân cấp, tạo sự linh hoạt khi quy định mức độ đạt chuẩn, để phù hợp với điều kiện thực tế, tránh lãng phí các nguồn lực đầu tư; đồng thời, lượng hóa tối đa các tiêu chí, để thuận lợi trong chỉ đạo, thực hiện, đánh giá công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng thời tạo thuận lợi và khích lệ các xã, huyện có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hơn tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá sau gần 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới.

[Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới]

Đời sống kinh tế nông thôn, nông dân phát triển. Cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tạo động lực không chỉ phát triển tại chỗ mà còn thúc đẩy các địa phương, vùng, ngành khác.

Đời sống văn hóa, tinh thần, trật tự an toàn xã hội, an toàn môi trường được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, ngày càng vững mạnh, đây là nhân tố quyết định để thực hiện thành công việc xây dựng nông thôn mới.

"Xây dựng nông thôn mới đã thực sự là luồng gió mới, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tài sản, công sức của người dân, cả nước đã hoàn thành sớm các mục tiêu 5 năm (2016-2020) của Chương trình, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng: Không xây dựng nông thôn mới một cách hình thức ảnh 2Đường liên xóm xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được bêtông hóa. (Ảnh Quang Đán/TTXVN)

Dù có nhiều kết quả tích cực, song Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, nhưng kết quả xây dựng, phát triển của một số vùng, địa phương còn kém so với mặt bằng chung.

Phó Thủ tướng lưu ý việc xây dựng nông thôn mới phải đặt trong mối liên kết, gắn chặt với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những vấn đề này không thể tách rời. Phát triển đô thị có vai trò hỗ trợ nông thôn, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân.

Đô thị, công nghiệp, dịch vụ phát triển giúp tạo nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động nông thôn, giảm nông dân thì sẽ tăng diện tích đất canh tác trên đầu người.

Từ đó, người dân sẽ có cơ sở để phát triển sản xuất, cuộc sống. Ở chiều ngược lại, phát triển nông nghiệp, các vùng sản xuất sẽ hỗ trợ cho công nghiệp, dịch vụ và lao động khu vực đô thị. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc kết nối trong phát triển này chưa có hệ thống, chưa có chính sách cụ thể, nhiều nơi chỉ mang tính tự phát.

Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn hiện còn cao. Đầu tư xã hội cho nông nghiệp hiệu quả không cao bằng các ngành khác, nên vốn đầu tư vào nông nghiệp còn nhỏ.

Liên kết người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Quá trình xây dựng nông thôn mới chưa gắn kết với cơ cấu lại với nền kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là năm then chốt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu.

Theo đó, các bộ, ngành Trung ương cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương theo địa bàn được phân công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu còn lại của Chương trình trong năm 2020.

Đặc biệt là phải kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tự thỏa mãn với thành tích đã đạt được, để không làm ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện của cả nước.

Không xây dựng nông thôn mới một cách hình thức, chỉ chú tâm các tiêu chí

Về việc sửa đổi, bổi sung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài.

"Không phát triển nông thôn mới một cách hình thức, chỉ chú tâm các tiêu chí về đường, trường, trạm,... mà phải lấy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt, đời sống nông thôn làm trung tâm. Theo đó, phát huy vai trò động lực của hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn đầu tư, phát triển lực lượng lao động, sản xuất và thị trường tiêu thụ," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ ra thực trạng một số địa phương khi xây dựng nông thôn mới còn phải nợ tiêu chí, do đó cần kịp thời phát hiện các biểu hiện chạy theo thành tích, làm méo mó quá trình xây dựng nông thôn mới.

"Cần lượng hóa các tiêu chí, xây dựng các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực của địa phương, từng vùng, từng khu vực; phù hợp về địa hình, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế. Bộ tiêu chí cần có các tiêu chí "cứng," tiêu chí "mềm" để dễ triển khai thực hiện" - Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí, đảm bảo tính khả thi; sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để có nguồn lực thực hiện bộ tiêu chí.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại giai đoạn 2020-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục