Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2020 tại Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ảnh 1Đường giao thông nông thôn xã Tam Đan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 29/5, tại thành phố Đông Hà, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2020 với sự tham dự của trên 230 đại biểu là đại diện cho các bộ, ngành, tỉnh, thành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hội nghị lần này là cơ hội để các ngành, địa phương thảo luận, bổ sung, định hướng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, đặt ra những giải pháp để thực hiện bộ tiêu chí trong giai đoạn này. Theo đó, thời gian tới, đối với cấp xã là cơ bản giữ nguyên tiêu chí nông thôn mới, nâng cao tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục nâng cao những tiêu chí về giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường.

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới của địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quyết định thành công trong xây dựng nông thôn mới.

[Thủ tướng: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không có điểm dừng]

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển sản xuất, nhất là sản xuất các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm OCOP; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc gắn với nhãn mác, thương hiệu sản phẩm; từng bước thực hiện tích tụ ruộng đất nhằm đáp ứng quy mô diện tích đủ lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Theo đó, cả nước đã có hơn 5.170 xã (chiếm 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hơn 2.110.000 tỷ đồng.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, xây dựng mô hình hiệu quả, sát thực tiễn. Qua đó, tạo bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cả nước phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí; những địa phương đã được công nhận đạt chuẩn, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong khuôn khổ của Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2020, cũng đã diễn ra Hội nghị tập huấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, tập trung vào những nội dung như: phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; những điểm mới trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; quy chế quản lý chương trình OCOP…

Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay cả nước đã có 33 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 1.711 sản phẩm; trong đó, có 22 sản phẩm 5 sao, 604 sản phẩm 4 sao và 1.085 sản phẩm 3 sao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục