Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, “thành thói quen,” làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương, đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 12/6.
Cuộc họp nhằm nhằm đánh giá tình hình giá cả, thị trường từ đầu năm đến nay và dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, trên cơ sở đó có giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo Phó Thủ tướng, công tác quản lý, điều hành giá trong những tháng đầu năm tiếp tục gặp áp lực, thách thức trước những biến động giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới.
Chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất của đồng USD neo cao, lạm phát tuy có giảm trong giai đoạn đầu nhưng vào thời điểm này đã đi theo chiều ngang. Một số quốc gia xảy ra xung đột vũ trang, căng thẳng chính trị… làm đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa.
Ở trong nước, lạm phát được kiểm soát tốt, phục vụ cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Lạm phát nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép (4,5%).
“Theo tôi đánh giá, và các bộ, cơ quan chuyên môn trong Chính phủ nhận định, nếu không có gì biến động đột biến thì chúng ta kiểm soát tốt. Vừa rồi Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, đề nghị kiểm soát lạm phát ở mức thấp, dưới 4%, tăng trưởng ở mức cao, cố gắng đạt 6,5% GDP,” Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, trong đó có một số giải pháp quan trọng như đảm bảo thông suốt cung ứng lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao như dịp Tết Nguyên đán.
Các mặt hàng chiến lược được đáp ứng tốt, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, trong đó có mặt hàng xăng dầu, điện, trong mọi tình huống, chúng ta không để thiếu điện; tăng cường kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản; tăng cường quản lý điều hành giá trong dịp lễ, tết, chuẩn bị sớm phương án điều hành các mặt hàng nhà nước định giá theo lộ trình; giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt chính sách tài khóa phối hợp tốt…
Các giải pháp trên một mặt góp phần kiểm soát lạm phát, mặt khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng -hai mục tiêu rất lớn được thực hiện cân bằng trong thời gian qua.
Nhấn mạnh còn hơn 6 tháng là kết thúc năm 2024, áp lực lạm phát vẫn thường trực (tăng lương, tình hình biến động của thế giới, OPEC không tăng sản lượng xăng dầu), đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải biển làm chi phí vận tải tăng lên, một số mặt hàng dịch vụ theo yêu cầu cơ cấu giá thành đòi hỏi phải tăng giá… tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tin tưởng và kỳ vọng, nếu từ nay đến cuối năm không có những biến động lớn, đột xuất, bất ngờ xảy ra ảnh hưởng lớn đến việc điều hành thì chúng ta sẽ kiểm soát tốt lạm phát.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới và trong nước, để đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, tinh thần phải kiểm soát được trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%. Đảm bảo thông suốt việc cung ứng và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
“Nhu cầu có mà hàng thiếu thì giá dứt khoát phải tăng. Sản xuất thừa, nhu cầu không đáp ứng thì lãng phí cho xã hội. Các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình điều phối cho tốt, không để tăng giá, đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, có tác động lớn đến chỉ số CPI,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo thẩm quyền cho phù hợp, trong đó nêu rõ mức độ, thời điểm tăng giá, và phải phối hợp với Tổng cục Thống kê, các cơ quan có liên quan đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, ba ngành Y tế (liên quan đến dịch vụ khám, chữa bệnh), Giáo dục (liên quan tới học phí giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và Điện lực có báo cáo đề xuất lộ trình để Ban Chỉ đạo tham mưu Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm kịch bản điều hành giá, đề xuất tăng giá hàng hóa, dịch vụ phải nêu rõ thời điểm, lộ trình và mức độ, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều chỉnh giá mà Thủ tướng không đồng ý, ảnh hưởng đến tới việc chung, tới sản xuất kinh doanh, tác động tới CPI thì các đồng chí chịu trách nhiệm.”
Người đứng đầu Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng nhấn mạnh, các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải đảm bảo, thực hiện nghiêm. Làm tốt công tác này sẽ hỗ trợ tốt cho công tác kiểm soát lạm phát.
Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng là rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 tới, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, “thành thói quen,” làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.
Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống… Đồng thời với đó, chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Bộ Tài chính phối hợp, đôn đốc theo sát tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật Giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội, để người dân hiểu, chia sẻ và nhận thức cho đúng, không hoang mang dao động.
“Cái gì chúng ta kiểm soát được thì kiểm soát chặt, cái gì thị trường quyết định thì phải theo sát để có những cơ chế, thí dụ như xăng dầu hiện nay là phải bình ổn,” nêu rõ điều này, một lần nữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, đặc biệt là trong tháng 7 là thời điểm tăng lương, để vừa thực hiện được chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Bộ Tài chính kiểm tra tình hình giá cả tại các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để có hướng xử lý nhanh khi có diễn biến liên quan đến lạm phát./.
Củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ổn định kỳ vọng lạm phát
Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.