Phó Thủ tướng: Sẽ không giảm được ùn tắc khi xe cá nhân gia tăng nhanh

Trong vòng 5 năm nữa, với tốc độ gia tăng xe cá nhân hiện nay sẽ không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông. Các đô thị lớn càng xây dựng hạ tầng đường sá thì càng ùn tắc giao thông.
Phó Thủ tướng: Sẽ không giảm được ùn tắc khi xe cá nhân gia tăng nhanh ảnh 1Ùn tắc giao thông sẽ khó giải quyết nếu hạ tầng không theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện xe cá nhân. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Trong năm 2020, ngành Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, giảm thiểu tai nạn giao thông, tái cấu trúc vận tải... và đạt được nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng vẫn là bài toán nan giải, nhất là trong bối cảnh vốn ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn.

Hạ tầng được đầu tư nhanh

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025 vào sáng 24/12, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, công tác đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Đặc biệt, lĩnh vực đường bộ có nhiều đột phá, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Riêng trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới.

[Sẽ có thêm gần 1.000km đường cao tốc ở phía Nam giai đoạn 2021-2030]

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện thủ tục và triển khai khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam được chuyển sang hình thức đầu tư công đồng thời đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP do không lựa chọn được nhà đầu tư (Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu).

Cùng với đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế đối với dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; dự án nâng cấp, sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài,...

“Năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao; bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác,” Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Thọ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua cần tiếp tục khắc phục như hệ thống hạ tầng giao thông vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, chi phí vận tải chưa hợp lý và giảm hiệu quả khai thác vận tải; chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu,...

Đề cập đến kế hoạch năm 2021, Thứ trưởng Thọ cho biết đối với lĩnh vực vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì hoạt động vận tải ổn định, dần phục hồi trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5-6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7-8% so với năm 2020.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics...

Về đầu tư phát triển, Bộ đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với số vốn dự kiến giải ngân khoảng 46.005 tỷ đồng; đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Bến Lức-Long Thành, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách...

Giải bài toán ùn tắc, huy động vốn đầu tư

Biểu dương lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên ngành giao thông vận tải đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc về quy định pháp luật, hoàn thành các quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý; thúc đẩy các dự án quan trọng của ngành dù một số dự án chậm nhưng chặt chẽ và an toàn, hiệu quả, chất lượng hơn; tái cấu trúc ngành vận tải nâng cao năng suất. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được đảm bảo tích cực, giảm thiểu tai nạn giao thông; phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế và đứng trước các khó khăn thách thức như các dự án công trình khởi công mới, đặc biệt vốn ngân sách Nhà nước, đầu tư vốn PPP giai đoạn 2016-2020 rất ít so với yêu cầu, không đạt mục tiêu đề ra. Nhiều dự án đặc biệt quan trọng bị chậm tiến độ như dự án liên vùng, đường sắt đô thị; vận tải hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu do đường bộ còn thấp, chi phí lớn và tăng logicstics, đầu tư chưa quan tâm đến đường thủy, đường sắt, năng lực nhiều cảng còn hạn chế; hạ tầng hàng không được nâng cấp mở rộng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu giao thông kết nối liên vùng, đô thị lớn với vùng kinh tế, sân bay và cảng biển...

['Xây dựng mỗi con đường trở thành một trục phát triển kinh tế, đô thị']

Nhìn nhận năng lực hạ tầng đô thị chưa theo kịp phát triển phương tiện, Phó Thủ tướng đưa ra quan điểm: “Trong vòng 5 năm nữa, với tốc độ gia tăng xe cá nhân sẽ không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông. Các đô thị lớn càng xây dựng hạ tầng đường sá thì càng ùn tắc bởi hấp dẫn người dân đổ về (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm tăng 200.000 người). Do đó, không hạ tầng nào có thể đáp ứng nổi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến ùn tắc và ô nhiễm môi trường.”

Phó Thủ tướng: Sẽ không giảm được ùn tắc khi xe cá nhân gia tăng nhanh ảnh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Nguyên nhân của vấn đề này được Phó Thủ tướng chỉ ra là sự thiếu đồng bộ bất cập về đầu tư và pháp luật để triển khai thực hiện bị quy định rất nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng quy hoạch của ngành chưa được điều chỉnh cập nhật, công tác xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch còn rất lúng túng; bố trí nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước còn thiếu trong khi nhu cầu đầu tư lớn.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 cần có thêm 3.000km đường cao tốc để tới năm 2030 có tổng số 5.000km. Nếu đầu tư 3.000km cao tốc sẽ cần 600.000 tỷ đồng, chưa tính vốn đầu tư cho các lĩnh vực khác như đường sắt đô thị...

“Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn rất khó khăn bởi hoàn thiện pháp luật PPP mới cởi mở và tháo gỡ khó khăn để người đầu tư cảm thấy an toàn, tính hiệu quả của dự án. Ngân hàng không vào cuộc nên dự án BOT thất bại và không thể thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ giao thông theo chiến lược do không thể huy động được nguồn vốn từ bên ngoài,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương tập trung hoàn thành các quy hoạch giao thông; tập trung xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm đã có nguồn vốn bố trí; đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các dự án giao thông; tái cơ cấu vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông; các Bộ ngành phối hợp tháo gỡ vướng mắc để đưa dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đưa vào khai thác vận hành bởi càng chậm sẽ kém hiệu quả, đó là thất thoát vô hình.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục