Phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số

Theo Cục trưởng Cục A05, tội phạm trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn tinh vi, hoạt động tuyên truyền, phát tán thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số ảnh 1Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an).(Nguồn: BCA)

Ngày 21/12, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Công an đã chủ động, triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đơn vị có liên quan để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết hiện nước ta có 70 triệu người sử dụng Internet (tương ứng 70% dân số) với 154 triệu thiết bị kết nối Internet. Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh với 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook. Bối cảnh này đặt ra khó khăn, thách thức lớn trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Theo Cục trưởng Cục A05, tội phạm trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn tinh vi. Hoạt động tuyên truyền, phát tán thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, tin giả, tin xấu, tin sai sự thật xâm phạm, tác động đến tư tưởng người dân.

Các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng tính lan tỏa nhanh, tính ẩn danh, xuyên biên giới của các nền tảng mạng xã hội, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà ước…

Trong năm 2021, thời điểm nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng cùng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã phối hợp xử lý hơn 1.100 mục tiêu trọng điểm, với hơn 2,3 triệu tin, bài có nội dung vi phạm pháp luật, thu hút hơn 9,4 triệu lượt tương tác của người dùng trên không gian mạng.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, năm 2021, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo liên quan đến hoạt động tấn công mạng, qua đó phát hiện, xác minh 2.763 cuộc tấn công mạng nhằm vào các trang cổng thông tin điện tử trong nước (tăng 26% so với năm 2020).

Hoạt động tấn công mạng, mã hóa dữ liệu để tống tiền, nhóm xuyên tạc có xu hướng gia tăng gây thiệt hại lớn về kinh tế. Mục tiêu của các hoạt động này tập trung chủ yếu vào hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng mạng của các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, tiềm lực ngân hàng, dầu khí…

Bên cạnh đó, tình trạng thu thập, xâm nhập trái phép thông tin dữ liệu của các tổ chức, cá nhân để rao bán trên các diễn đàn, trang mạng xã hội diễn biến phức tạp. Thời gian qua, Bộ Công an đã đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án với các hoạt động này, qua đó khởi tố vi phạm hành chính hàng chục người, vô hiệu hóa hàng trăm hệ thống trang web chuyên thu thập dữ liệu cá nhân trái phép; thu giữ gần 1.400GB dữ liệu cá nhân bị các nghi phạm thu thập, chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Đáng chú ý, năm 2021, qua kiểm tra an ninh hệ thống mạng tại 26 cơ quan, đơn vị, địa phương, Bộ Công an phát hiện nhiều hệ thống thông tin mạng của các đơn vị tồn tại những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, bị tấn công bằng nhiều mã độc, phần mềm gián điệp nguy hiểm.

Bộ Công an cũng đã phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật Nhà nước với 220 đầu tài liệu được lưu trữ qua hệ thống quản lý văn bản trên trang cổng thông tin điện tử. Bộ Công an còn phát hiện một số ứng dụng phòng, chống COVID-19 xây dựng gấp chưa có cơ chế quản lý, đánh giá thiết kế để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin dẫn đến nguy cơ bị lộ, lọt thông tin cá nhân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, làm rõ nhiều chủ đề về: Thực trạng, giải pháp, định hướng công tác phòng, chống rửa tiền, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thanh toán trên không gian mạng; hoàn thiện pháp luật hình sự trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; tình hình hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam; chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng từ góc nhìn quản trị khủng hoảng truyền thông; công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đồng tình với các giải pháp mà hội nghị đã thảo luận, thống nhất. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện để Bộ Công an thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng; phối hợp với Bộ Công an đề xuất các chủ trương, chính sách liên quan đến đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin… để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; đề cao cảnh giác trước âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng chuyển đổi số để xâm phạm an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong xác minh, xử lý, báo cáo những giao dịch đáng ngờ; chỉ đạo cung ứng các dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; có cơ chế để xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động kinh tế số để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; có giải pháp xử lý triệt để sim "rác," không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng quan tâm công tác định danh khách hàng, định danh khách hàng bằng phương thức điện tử; thường xuyên cảnh báo về phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm, thực hiện hậu kiểm đối với tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc tài khoản số, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng tài khoản "rác" để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc ban, bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm an ninh mạng quốc gia; đấu tranh, triệt phá các tổ chức, băng nhóm tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn quá trình chuyển đổi số, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục