Các cuộc xung đột kinh tế và thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục nóng lên do Nhật Bản tăng cường xem xét và kiểm soát các vật liệu bán dẫn xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Những bất bình trong lịch sử kết hợp với các lệnh trừng phạt của Nhật Bản đã kích động sự giận dữ của nhiều người Hàn Quốc và họ đã phát động một cuộc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Một thanh niên Hàn Quốc nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc: "Chúng tôi cảm thấy bị coi thường, vì vậy hãy để Nhật Bản thấy sức mạnh của người Hàn Quốc."
Tác động của phong trào tẩy chay
Kể từ khi Nhật Bản công bố lệnh trừng phạt kinh tế vào đầu tháng này, phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản của người dân Hàn Quốc đã có tác động thực sự.
Theo trang web tài chính MT của Hàn Quốc, ngày 17/7, Uniqlo, Shiseido, Sony và các thương hiệu nổi tiếng khác của Nhật Bản đã bị người tiêu dùng Hàn Quốc phản đối, và một số "hàng hóa Nhật Bản ít người biết đến" cũng đã bị cư dân mạng "đào lên."
Theo siêu thị lớn của Hàn Quốc Emart, từ ngày 1-14/7, doanh số bán bia Nhật Bản giảm 24,6% so với tháng trước. Ngược lại, doanh số bán bia trong nước của Hàn Quốc tăng 6,9% so với tháng trước. Đồng thời, doanh số của Uniqlo và MUJI giảm lần lượt 26,2% và 19,2% sau khi có phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
[Tầm quan trọng của Mỹ trong việc hóa giải khúc mắc thương mại Hàn-Nhật]
Theo phóng viên của Thời báo Hoàn cầu, nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, đã tích cực tham gia tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Hội đồng Liên minh Hợp tác Siêu thị Hàn Quốc tuyên bố sẽ huy động các siêu thị thành viên của mình cấm các sản phẩm của Nhật Bản.
Chủ tịch hội đồng cho biết mặc dù chắc chắn sẽ gánh chịu một số tổn thất, nhưng các thành viên hội đồng đã thống nhất về các hoạt động tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Theo lời kêu gọi này, 3.600 cửa hàng vừa và nhỏ và hơn 23.000 siêu thị trên khắp Hàn Quốc đã ngừng bán hàng hóa Nhật Bản. Các siêu thị này cũng bắt đầu rút hơn 100 sản phẩm của Nhật Bản khỏi quầy bán hàng.
Ngoài ra, hơn 3.000 cửa hàng nhỏ trên khắp Hàn Quốc bắt đầu ngừng bán hàng Nhật Bản.
Ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng của phong trào này. Theo thống kê từ Hana Tour, công ty du lịch lớn nhất Hàn Quốc, từ ngày 8-14/7, số lượng khách hàng đặt các tour đi Nhật Bản là 700 người mỗi ngày, giảm 40% so với thông thường.
Theo truyền thông Hàn Quốc, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 40 triệu du khách nước ngoài trong dịp Thế vận hội mùa Hè 2020. Tuy nhiên, nếu mất đi 1/4 lượng khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản rất khó đạt được mục tiêu.
Chỉ là sự nhất thời?
Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc đưa tin một nhà báo Nhật Bản gần đây đã có một bài viết về những lần Hàn Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản trong quá khứ.
Theo bài viết, trong 25 năm qua, Hàn Quốc đã có 4 lần tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, nhưng chưa từng có một lần thành công.
Đáp lại bình luận này, KBS cho rằng tình hình thực tế trong xã hội Hàn Quốc hiện nay hoàn toàn trái ngược với "suy nghĩ" của truyền thông Nhật Bản. Phong trào tẩy chay rất khác so với trước đây.
Trước đây, người tiêu dùng Hàn Quốc đã chủ động không mua và tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, nhưng lần này rất nhiều thương gia lại tuyên bố không bán hàng Nhật.
Chẳng hạn, KBS cho biết một số nhà hàng Nhật Bản do người Hàn Quốc điều hành gần đây đã tham gia tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và một số thương nhân bày tỏ quyết tâm không bán hàng Nhật dưới hình thức "khuyến mại" một cốc bia Nhật Bản với giá 1 triệu won.
Một phụ nữ trẻ Hàn Quốc nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc rằng: "Chúng tôi cảm thấy rằng bản thân đang bị coi thường, vì vậy hãy để Nhật Bản thấy sức mạnh của người dân Hàn Quốc."
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty Gallup từ ngày 9-11/7, tỷ lệ người Hàn Quốc có ấn tượng tốt về Nhật Bản chỉ là 12%, thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1991. Ngoài ra, 67% người Hàn Quốc cho biết họ sẽ tham gia phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Kể từ ngày 4/7, Chính phủ Nhật Bản đã siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và chip sang thị trường Hàn Quốc.
Các công ty Nhật Bản sẽ phải nộp đơn xin giấy phép cho từng hợp đồng xuất khẩu 3 mặt hàng hóa chất nêu trên sang Hàn Quốc.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua sau một loạt phán quyết của tòa án Hàn Quốc vào cuối năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã lập luận rằng trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước được ký vào năm 1965, Nhật Bản đã chi trả cho Hàn Quốc khoản bồi thường và các vấn đề đã được giải quyết xong./.