Phú Quốc sớm trở thành đặc khu kinh tế-hành chính

Kiên Giang đang đẩy nhanh tiến độ đưa khu vực có tiềm năng kinh tế lớn, vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh-quốc phòng này thành đặc khu.
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, ngày 13/8, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng Đoàn đã khảo sát và làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đoàn làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Kiên Giang, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện đảo Phú Quốc và các phòng, ban có liên quan về “Chủ trương về cơ chế đặc thù đối với đơn vị hành chính-kinh tế Phú Quốc” và một số nội dung khác có liên quan.

Đoàn đã nghe Bí thư Huyện ủy Phú Quốc Văn Hà Phong báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của huyện đảo Phú Quốc; các nội dung về chủ trương cơ chế đặc thù đối với đơn vị hành chính-kinh tế Phú Quốc; công tác chuẩn bị xây dựng đề án Đặc khu Hành chính-Kinh tế Phú Quốc. Đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Kiên Giang đã phát biểu, đóng góp ý kiến và đề xuất nhiều ý kiến vào nội dung liên quan.

Phú Quốc nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và thế giới; có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020." Tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc đến năm 2030.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ đến năm 2020 đã xác định mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế-hành chính vào năm 2020, với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.

Qua 8 năm, thực hiện Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế-xã hội của huyện đảo Phú Quốc có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 24,5%, gấp 5,2 lần so với năm 2004. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 70,3 triệu đồng. Phú Quốc đã thu hút 206 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch với diện tích hơn 9.360ha; trong đó, có 13 dự án đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai xây dựng với vốn đầu tư 4.080 tỷ đồng.

Một số công trình trọng điểm đã hoàn thành như Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển Quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông. Hiện, Phú Quốc đang tiếp tục thi công hoàn thành các trục giao thông chính Bắc-Nam đảo, đường vòng quanh đảo và kết nối các trục đường ngang với đô thị Dương Đông, An Thới, Bãi Thơm, Cửa Cạn…

Thay mặt Đoàn công tác, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu ý kiến về việc xây dựng, nội dung Đề án và ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Các kiến nghị sẽ được Đoàn công tác tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Kiên Giang cần rà soát lại các chính sách, xây dựng Đề án Hành chính-Kinh tế đặc khu hoàn chỉnh, nhằm đẩy nhanh tiến độ thành lập Phú Quốc thành thành phố loại 2 và trở thành đặc khu kinh tế một cách sớm nhất./.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục