Do ảnh hưởng rãnh thấp, từ 20-21/9, tỉnh Phú Thọ có mưa to đến rất to trên diện rộng khiến ông Đinh Văn Tiến (khu xóm Hon1, xã Xuân An, huyện Yên Lập) mất tích và gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
Lượng mưa từ 1 giờ ngày 20/9 đến 13 giờ ngày 21/9 đo được tại Minh Đài 112,4mm; Hạ Hòa 85,0mm; Đoan Hùng 92,0mm; Vụ Quang 195,0mm; Việt Trì 174,0mm; Mỹ Lương 242,0mm. Mưa to cộng với nước từ đầu nguồn đổ về khiến nước ở sông Thao dâng nhanh, ở Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa, lượng nước đã trên báo động 1.
Đáng chú ý là mưa to kèm gió lớn kéo dài đã gây thiệt hại nặng ở các huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn.
Mưa to, gió lớn cũng làm bốn ngôi nhà, phòng học bị đổ và nước cuốn trôi; 51 ngôi nhà bị ngập nước; gần 1.000ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập úng; 280 con gia súc, gia cầm bị chết; 4.000m kênh mương bị sạt lở; 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn; nhiều cột điện bị đổ gãy, đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng…
Đặc biệt, tại các xã Tiên Lương, Ngô Xá (huyện Cẩm Khê), mưa to đã làm 1.700m đê ngòi Giành bị tràn; làm ngập 61 ngôi nhà, 400 hộ dân phải di rời gấp ra khỏi vùng ngập úng…
Ngay sau khi mưa lớn xảy ra, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh và các ban ngành liên quan đã xuống hiện trường kiểm tra công tác ứng phó với ngập úng, các khu vực lũ quét, sạt lở đất, các bến đò, ngầm, tràn qua sông, suối, ngò; đồng thời chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các xã thống kê thiệt hại và huy động lực lượng khắc phục hậu quả để ổn định đời sống của nhân dân.
Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Khê đã huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an xã của 10 xã và các phương tiện đến khu vực ngòi Giành để xử lý, gia cố, ngăn nước tuyến đê bao ngòi Giành nhằm đảm bảo cho hàng trăm hộ dân sống trong khu vực của tuyến đê bao này.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ đã chủ động bơm tiêu, đảm bảo tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất./.