Phú Thọ: Yêu cầu tạm dừng phần cướp phết tại Lễ hội phết Hiền Quan

Chiều 16/2, hàng trăm du khách kéo về xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ) tham gia Lễ hội phết Hiền Quan năm 2019, nhiều người háo hức chờ đợi màn tranh cướp phết giữa các đội chơi trong xã.
Phú Thọ: Yêu cầu tạm dừng phần cướp phết tại Lễ hội phết Hiền Quan ảnh 1Màn cướp Phết tại lễ hội năm 2018. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Trong cuộc họp khẩn chiều 16/2, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết đã yêu cầu tạm dừng phần tranh cướp phết tại Lễ hội phết Hiền Quan, Tam Nông theo đề nghị của ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiền Quan do có những vi phạm thể lệ đánh phết.

Chiều 16/2, hàng trăm du khách kéo về xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ) tham gia Lễ hội phết Hiền Quan năm 2019. Nhiều người háo hức chờ đợi màn tranh cướp phết giữa các đội chơi trong xã.

Để ngăn tình trạng hỗn chiến trong lúc tranh cướp phết, Ban tổ chức lễ hội đã bố trí nhiều lớp an ninh, vòng trong, vòng ngoài, đồng thời ban hành thể lệ đánh phết. Tuy nhiên, khi những quả phết được đưa vào sân đánh chưa được bao lâu thì hàng trăm trai làng ùa nhau, xé rào lao vào tranh cướp phết, gây ra cảnh tượng hỗn loạn.

[Đề nghị tạm dừng lễ hội Phết Hiền Quan nếu không đảm bảo an toàn]

Theo Ban tổ chức Lễ hội phết Hiền Quan, mặc dù đã xây dựng đề án, kịch bản, chi tiết nhằm thắt chặt công tác quản lý khi đến phần cướp phết nhưng sau những gì xảy ra chiều 16/2, phần đánh phết trong lễ hội đã không đảm bảo được các yếu tố an ninh trật tự, để xảy ra tình trạng người bên ngoài tràn vào sân ngay sau khi quả phết được đưa vào sân.

Trong cuộc họp khẩn sau đó, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ yêu cầu Ban tổ chức lễ hội không không tiếp tục tổ chức đánh phết vào chiều 17/2 (tức 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019). Các nghi thức tế lễ vẫn được diễn ra bình thường, Ban tổ chức chỉ dừng không cho đánh phết.

Lễ hội phết Hiền Quan, Tam Nông được tổ chức năm vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống nhằm thể hiện sự thành kính, tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Nữ tướng Thiều Hoa cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc; qua đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục