Phương hướng của các tổ chức quốc tế trong tương lai hậu bầu cử Mỹ

Dựa trên một số quan điểm của Biden, tất cả các bên liên quan đều chờ đợi chính phủ mới của Mỹ sẽ tái hợp đại gia đình hợp tác quốc tế trong tương lai.
Phương hướng của các tổ chức quốc tế trong tương lai hậu bầu cử Mỹ ảnh 1Ông Joe Biden. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Theo Thời báo Hoàn Cầu, chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ được nhiều người cho là điều tích cực đối với sự phát triển của chủ nghĩa đa phương.

Dựa trên một số quan điểm của Biden, tất cả các bên liên quan đều chờ đợi chính phủ mới của Mỹ sẽ tái hợp đại gia đình hợp tác quốc tế trong tương lai.

Thế giới đang mong sớm được thoát khỏi "làn sương mù lớn" do những người hoài nghi về quản trị toàn cầu tạo ra, mong muốn này là dễ hiểu, nhưng đồng thời cũng cần phải bình tĩnh, đặc biệt cần phải xem xét kỹ một số những trở ngại nổi bật mà các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc phải đối mặt hiện nay.

Chỉ bằng cách nỗ lực khắc phục khó khăn trở ngại mới có thể phát huy thực sự vai trò của các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Thứ nhất, các tổ chức quốc tế phải khắc phục được hai khó khăn do sự suy giảm bá quyền của Mỹ tạo ra. Mỹ là nhân tố thúc đẩy quan trọng sự trỗi dậy của các tổ chức quốc tế sau chiến tranh.

Ngày nay, cam kết chính trị và nguồn lực đầu vào của Mỹ cho hợp tác quốc tế vẫn có giá trị không thể thay thế đối với các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cùng với sự suy thoái của bá quyền và sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy trong nước, Mỹ ngày càng có tính chọn lọc trong trách nhiệm gánh vác của nước lớn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Mỹ đã cắt giảm mạnh hoặc thậm chí chấm dứt tài trợ cho các tổ chức quốc tế mà Mỹ cho rằng không giúp ích nhiều cho lợi ích của mình.

Điều này sẽ hạn chế đáng kể ngân sách đầu tư của chính phủ mới của Mỹ cho chủ nghĩa đa phương.

[Hậu bầu cử Mỹ: Các tập đoàn kinh tế theo ngọn gió mới]

Mặt khác, trong quá trình cứu vãn sự suy thoái của bá quyền, Mỹ không ngừng tăng cường mức độ kiềm chế các tổ chức quốc tế, khiến cho mâu thuẫn giữa Mỹ với đặc tính dân chủ vốn có của các cơ chế đa phương ngày càng sâu sắc.

Tháng 9 vừa qua, Mỹ thậm chí đã phá vỡ thông lệ "vận động hành lang" để quan chức nước mình trở thành Thống đốc Ngân hàng phát triển liên châu Mỹ.

Hai đảng của Mỹ đạt được đồng thuận trong việc tìm cách giành lại quyền kiểm soát các tổ chức quốc tế, và chỉ có sự khác biệt ở cách thức. Chính vì vậy, cùng với việc tranh thủ được sự ủng hộ về chính trị và tài chính của Mỹ mà không bị Mỹ kiềm chế là một vấn đề quan trọng đối với các tổ chức quốc tế để duy trì tính hợp pháp của mình.

Thứ hai, các tổ chức quốc tế cần tránh trở thành chiến trường cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Sự phối hợp và hợp tác giữa các nước lớn có ý nghĩa to lớn đối với việc phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, điều này có thể được thể hiện đầy đủ qua hoạt động khác nhau của Liên hợp quốc trong và sau Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên gần đây, Mỹ đã kích động cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, mâu thuẫn giữa cơ chế đa phương Liên hợp quốc với Trung Quốc, Nga và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gia tăng rõ rệt.

Điều này đã khiến thể chế quốc tế có xu hướng chia rẽ nghiêm trọng. Năm 2017 là năm mà các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an sử dụng quyền phủ quyết nhiều nhất kể từ năm 1988. Quyết định chính thức được Hội đồng Bảo an thông qua vào năm 2019 là mức thấp nhất kể từ năm 1991.

Là một nền tảng mang tính thể chế của sự hợp tác giữa các quốc gia có chủ quyền, các tổ chức quốc tế không thể tránh khỏi những tác động bởi quan hệ giữa các nước lớn. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn nên phát huy nguyên tắc công bằng quốc tế, cố gắng phát huy chức năng trong các mặt như định hướng dư luận, chế độ ràng buộc, trung gian hòa giải, tích cực ngăn cản một số nước lớn lợi dụng các tổ chức quốc tế để kiềm chế, áp đặt và bôi nhọ cái gọi là đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba, các tổ chức quốc tế cần nỗ lực thích ứng với các yêu cầu mới của quản trị toàn cầu. Các tổ chức quốc tế là chủ thể chính để phát huy vai trò của chủ nghĩa đa phương, là nền tảng không thể thiếu để thực hiện các quan điểm và nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương.

Tính hợp pháp và hiệu quả của thể chế quản trị toàn cầu hiện nay còn thiếu rõ rệt, điều này đã dẫn đến sự hoài nghi đối với sự bố trí và hệ thống giá trị của chủ nghĩa đa phương.

Một mặt, cần thúc đẩy cải cách cơ chế thể chế quản trị toàn cầu theo hướng dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Trong quá trình này, quản trị toàn cầu cần có các nguyên tắc cùng thảo luận, cùng xây dựng và cùng hưởng thụ, thúc đẩy bình đẳng quyền lợi, bình đẳng cơ hội, bình đẳng nguyên tắc giữa các nước.

Trước mắt, đặc biệt nên ưu tiên giải quyết các vấn đề mang tính đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển. Mặt khác, nâng cao khả năng của các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống và ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đối mặt với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19), mặc dù các cơ chế quản trị toàn cầu như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát huy vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng các hành động thực tế vẫn thường xuyên bị cản trở bởi nhiều sự can thiệp khác nhau.

Đặc biệt, sự không phù hợp giữa trách nhiệm và quyền hạn, hạn chế vai trò của WHO trong việc ngăn chặn sự lây lan và giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Trước những thách thức mang tính toàn cầu ngày càng phức tạp nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế mong muốn các tổ chức quốc tế phát huy vai trò chủ đạo, vạch ra kế hoạch ứng phó tổng thể và thúc đẩy hợp tác phối hợp giữa các bên.

Tại phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi đổi mới tư duy về quản trị toàn cầu, đề xuất xây dựng chủ nghĩa đa phương liên kết chặt chẽ hơn, liên kết Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức khác. Mặc dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng triển vọng của các tổ chức quốc tế vẫn rất đáng được mong đợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục