Ông Joe Biden sẽ có những lựa chọn gì trong 'hồ sơ Trung Đông'?

Giáo sư Amin Saikal, làm việc tại Đại học Western Australia, mới đây đã có bài viết bàn về những gì ông Biden có thể sửa đổi trong hồ sơ Trung Đông.
Ông Joe Biden sẽ có những lựa chọn gì trong 'hồ sơ Trung Đông'? ảnh 1Ông Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Joe Biden đã được truyền thông rộng rãi gọi bằng danh xưng “Tổng thống đắc cử,” và người ta bắt đầu tính đến những thay đổi mà chính trị gia này có thể thúc đẩy sau khi tiếp quản Nhà Trắng.

Giáo sư Amin Saikal, làm việc tại Đại học Western Australia, mới đây đã có bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) bàn về những gì ông Biden có thể sửa đổi trong hồ sơ Trung Đông.

Nội dung bài viết cơ bản như sau:

Bỏ qua những tranh cãi không có cơ sở của Tổng thống Donald Trump về tính hợp pháp của cuộc bầu cử Mỹ 2020, ông Biden sẽ phải sẵn sàng để bắt đầu một cuộc chấn chỉnh các chính sách cả về đối nội và đối ngoại.

Nhiều người kỳ vọng ông Biden sẽ là một nhà lãnh đạo thực tế, theo chủ nghĩa tự do và đa phương trong việc thúc đẩy vai trò của Mỹ trên toàn cầu.

Một trọng tâm chính của các vấn đề chính sách đối ngoại sẽ là Trung Đông và trái ngược với Trump, ông Biden nhiều khả năng tiếp bước người tiền nhiệm đảng Dân chủ Barack Obama trong cách tiếp cận những vấn đề tại khu vực này.

Có bốn lĩnh vực mà ông Biden có thể tìm cách tạo ra sự khác biệt so với thời kỳ của Tổng thống Trump.

Đầu tiên là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong hồ sơ hạt nhân Iran được ký vào tháng 7/2015.

[Chủ nghĩa Donald Trump liệu có biến mất ở Israel?]

Sau một thời gian dài chỉ trích thỏa thuận, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018, lên án chế độ Hồi giáo Iran là bên gây hấn và tạo bất ổn trong khu vực.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã áp dụng các chính sách gây áp lực tối đa với mục đích buộc Tehran phải đàm phán lại JCPOA và ngăn chặn khả năng phát triển tên lửa của Iran cũng như ảnh hưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong khu vực.

Lựa chọn của chính quyền ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực cũng như làm hài lòng các đồng minh của Mỹ như Israel và Saudi Arabia.

Ông Trump đã phớt lờ thực tế rằng JCPOA là một hiệp định đa phương. Các bên ký kết khác như Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đều lên tiếng phản đối các biện pháp của Washington và duy trì sự ủng hộ đối với thỏa thuận này, khiến liên minh xuyên Đại Tây Dương có những rạn nứt lớn.

Thực tế cho thấy cách tiếp cận của ông Trump đã thất bại. Chính quyền Iran cương quyết chống lại áp lực của Washington dù điều này gây tổn thất nặng nề cho xã hội.

Trong những tuyên bố tranh cử, ông Biden chỉ ra rằng ông sẽ đưa Mỹ trở lại và tiếp cận vấn đề Iran như cách mà cựu Tổng thống Obama từng làm, từ đó loại bỏ một trong những trở ngại trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu truyền thống.

Tuy nhiên, ông Biden sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa cũng như Israel và các quốc gia Arab do Saudi Arabia dẫn đầu trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Biden cũng có thể vượt qua được những thách thức này giống cựu lãnh đạo của mình.

Một mối quan hệ hợp tác với Iran sẽ cho phép Biden tập trung vào các vấn đề chính sách đối ngoại thách thức hơn, như đối phó với Trung Quốc - một siêu cường đối thủ mới nổi - và Nga - cường quốc ngày càng quyết đoán.

Lĩnh vực thứ hai liên quan đến cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Ông Trump đã đánh đổi “tình bạn” chưa từng có với Israel bằng cái giá là cuộc đấu tranh nhằm giành tự do và độc lập của người Palestine. Ông Biden cũng có thể sẽ theo đuổi cách tiếp cận của ông Obama.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden khẳng định ông sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc bằng cách không công nhận khu định cư của Israel trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, phản đối mọi nỗ lực sáp nhập tại Bờ Tây và khẳng định giải pháp hai nhà nước là lựa chọn tốt nhất để giải quyết vấn đề chính trị của cuộc xung đột.

Sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đối với một số vấn đề liên quan đến Israel sẽ khiến ông Biden khó có thể đảo ngược nhiều chính sách của ông Trump như việc chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem.

Lĩnh vực thứ ba là mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia. Trump luôn dành những ưu ái cho vương quốc giàu dầu mỏ và thường ủng hộ các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia.

Ông Trump cũng đã phát triển mối quan hệ rất thân thiết với Thái tử Saudi Mohammad bin Salman và hậu thuẫn mạnh mẽ các hoạt động quân sự của liên minh Riyadh dẫn đầu ở Yemen.

Ông Biden và những cộng sự trong đảng Dân chủ sẽ có cái nhìn khác về Saudi Arabia, có thể là giảm bớt sự ủng hộ của Mỹ đối với nhà lãnh đạo Riyadh vì cả lý do chính trị và đạo đức, đồng thời cắt giảm hỗ trợ cho các hoạt động mà Saudi Arabia thúc đẩy tại Yemen.

Lĩnh vực thứ tư là sự thống trị của chủ nghĩa chuyên chế ở Trung Đông, từ các chế độ quân chủ Arab ở Vùng Vịnh đến Ai Cập ở Bắc Phi - tất cả đều là đồng minh của Mỹ.

Chủ nghĩa dân túy của ông Trump đã củng cố vị thế của những người cai trị chuyên quyền. Ngược lại, ông Biden rất có thể sẽ nhấn mạnh nhu cầu cải cách chống độc tài trên toàn khu vực.

Điều này không có nghĩa là ông sẽ đưa dân chủ hóa trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình, như những gì cựu Tổng thống George W. Bush từng tìm cách nhưng không thành công.

Những cách tiếp cận mới của “chính quyền Biden” có thể sẽ góp phần mạnh mẽ cho việc ổn định khu vực hơn là chính sách “chia để trị” trong và ngoài nước mà Washington thúc đẩy dưới thời Tổng thống Trump, những lựa chọn đã xóa đi không ít cơ hội hợp tác có ý nghĩa trong khu vực.

Tất nhiên, tất cả điều này sẽ phụ thuộc vào quá trình pháp lý mà Tổng thống Trump đang thúc đẩy nhằm cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử và mức độ ông Biden thành công trong việc giải quyết những thách thức trong nước, đặc biệt nếu ông phải đối mặt với việc đảng Cộng hòa tiếp tục nắm giữ Thượng viện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục