Phút lắng lòng của những cán bộ hải quan Khe Sanh

Câu chuyện phía sau những chuyến "săn hàng" đêm càng khiến những người chứng kiến cuộc sống hàng ngày của các anh thêm đau đáu.
Sau những giây phút căng mình trên tuyến đường 9 Nam Lào huyền thoại, sáng hôm sau trở về, anh em hải quan ai nấy đều phờ phạc. Nhưng cũng chỉ được nghỉ ngơi dăm ba phút càphê cho tỉnh táo, cả đội lại lên đường.

Câu chuyện phía sau những chuyến săn hàng đêm càng khiến những người chứng kiến cuộc sống hàng ngày của các anh thêm đau đáu.

Sáng sớm trên đỉnh Khe Sanh vẫn mờ mịt sương khói. Mặt trời dù đã ló phía sau dãy Trường Sơn nhưng cũng chỉ đủ hắt một dãy ánh sáng hình dẻ quạt nhàn nhạt nơi cuối trời. Phờ phạc sau cả một đêm dài căng thẳng, đội phó Nguyễn Văn Trì ngồi bần thần bên cốc càphê nghi ngút khói. Điếu thuốc tàn dần.

Nhìn ra vạt rừng đẫm sương trước cửa đội, anh khẽ bảo: “Nhiều lúc, công việc của anh em hải quan Quảng Trị không chỉ có săn đuổi bằng được các chuyến hàng.”

Từ câu nói giản đơn ấy, câu chuyện giữa chúng tôi chuyển sang một mạch khác hẳn.

Để lấy dẫn chứng, Nguyễn Văn Trì chỉ ra con đường mòn xa tít tắp giáp bờ sông Rào Quán mà tôi và Mẫn đã đứng canh mấy đêm hôm trước. Trước đây, khu vực ấy chẳng hề có bất cứ một con đường nào mà chỉ toàn cây cối rậm rịt. Vài năm trở lại đây, để tránh mặt lực lượng hải quan giữ chốt trên đỉnh đèo, giới buôn lậu huy động bà con dân tộc Vân Kiều phạt rừng, mở lối tạo thành những con đường độc đạo cheo leo men sát vào những vạt đồi ngay phía trên sông Rào Quán ùng ục chảy.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, hệ thống đường này trông chỉ giống như những sợi chỉ mỏng gá hờ vào vách đất. Chỉ cần trượt chân, cả người, xe và hàng hóa có thể lăn tõm xuống miệng con quái vật ngầu đỏ gần trăm mét phía dưới đang đón chờ.

“Đấy, để đưa hàng qua lưng hải quan, đồng bào được thuê cứ liều mình như chẳng có. Có những đêm rình đến hoa cả mắt mới bắt được một 'rôbốt (đám dân buôn gùi hàng), nhưng rồi lại thấy đắng nghét nơi cổ họng,” Mẫn thở hắt.

Im lặng hồi lâu, mắt Mẫn đã vằn đỏ, chẳng biết vì thiếu ngủ hay do tâm trí đã lỡ theo dòng câu chuyện hướng về phía khu rừng đen sẫm trước mắt. Ở đó, Mẫn bảo, đã có những đêm dù cố đến mấy vẫn chẳng thể chợp mắt mặc dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mẫn vẫn nhớ lưng chừng Khe Sanh một ngày mưa cuối năm. Mẫn khi ấy còn là cán bộ mới vào ngành được ít lâu. Núi rừng Quảng Trị, mẫn đã thuộc được 4, 5 phần. Những mẻ cá giăng lên, Mẫn cũng đã nằm lòng để thực sự lạnh lùng, quyết đoán những khi nguy cấp.

Tối hôm ấy, Mẫn như thường lệ nhận nhiệm vụ mắt thần ở lưng chừng Khe Sanh. Suốt một đêm lạnh run, cả khoảng rừng đen thẫm trước mặt vẫn im lìm một cách lạ lùng. Những đêm mất trắng, Mẫn chẳng lạ gì. Thế nên, khi bao thuốc mang theo đã tàn dần đến điếu cuối cùng, Mẫn mệt nhoài toan lê bước về phía căn nhà gỗ. Bất thần tiếng chân người đạp lên cỏ ướt làm Mẫn thoáng giật mình.

Dập vội điếu thuốc, Mẫn nép sát mình sau một thân cây lớn. Nghe ngóng một hồi, Mẫn xác định đối tượng 'cua-rạm' đi lẻ đang âm thầm gùi hàng vượt đỉnh Khe Sanh. Không chần chừ, Mẫn lao mình về phía trước. Mặc kệ đám dây rừng cứ như giăng, Mẫn chạy như băng. Phía mặt đất, tiếng cây rừng lạo xạo ngày một gần. Chỉ chừng vài phút, sức trẻ của Mẫn đã bắt kịp hình người đang run rẩy vừa chạy vừa lết.

“Hóa ra, đó là một bà cụ tóc đã bạc trắng. Đã vậy, đối tượng đặc biệt đêm ấy lại còn cụt một tay. Chỉ dùng mỗi chiếc tay gày cong queo còn lại vác bao tải to quá người,” Mẫn nói khẽ.

Nhìn ra khúc quanh con đường 9 giờ đã vắng ngắt, Mẫn bảo, bà cụ người dân tộc lấm lem bùn đất đêm hôm ấy làm anh cứ day dứt mãi. Mãi về sau này, khi núi rừng Trường Sơn Mẫn đã thuộc như lòng bàn tay, người cán bộ trẻ mới hiểu, có nhiều câu chuyện đằng sau những cuộc vây bắt, truy đuổi mà người ngoài chẳng mấy ai thấu hiểu.

“Đối với những trường hợp như bà cụ ấy, công vận chuyển hàng chẳng đáng là bao nhiêu. Đứng giữa vách núi, nếu truy đuổi gắt gao quá, bà cụ mà tuột tay rơi xuống cũng tội,” Mẫn thành thật.

Nhìn người mẹ dân tộc già nhăn nheo, gùi cả núi hàng sau lưng, những lúc ấy, Mẫn và anh em chẳng đành lòng. Đành rằng, là hàng buôn lậu, nhưng đấy lại là cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn của họ.

“Gặp những trường hợp ấy, anh em vẫn tịch thu hàng nhưng không truy đuổi gắt gao. Sau đó sẽ nhắc nhở để các cụ không tái phạm,” đội phó Trì cho hay.

Để giảm dần tình trạng bà con dân tộc Vân Kiều tham gia vào các đội quân "cua rạm," hơn 30 anh em trong đội ngày ngày bổ sung vào lịch hàng ngày những công việc không tên. Anh em chia nhau đến từng nhà, vận động để người dân hiểu chính sách, đồng thời cố gắng giúp bà con làm kinh tế vườn tược.

Nhưng chuyện làm anh em trăn trở nhiều nhất là đôi lúc, công việc các anh đang làm lại tạo ra nguy hiểm cho chính gia đình các anh.

Trầm giọng một hồi, đội phó Trì thở dài: “Làm công việc này bắt buộc sẽ phải đối mặt với sự trả thù của các đối tượng đã bỏ hàng chạy thoát.”

Có lần, Trì cùng anh em cất được một mẻ lưới lớn thì ngay trong đêm hôm ấy, gia đình Trì gọi điện báo lên: các đối tượng xấu đã ném bom bẩn và đe dọa các thành viên trong gia đình.

“Những lúc ấy, mình vừa áy náy với vợ con, vừa lo. Nhưng cuối cùng vẫn phải an ủi mọi người ở nhà vững tâm,” Trì nói.

Còn những chuyện anh em khi truy đuổi bị các đối tượng quay lại hành hung, ngáng xe gây tai nạn thì tất cả anh em hải quan trên đỉnh Khe Sanh đều coi như chuyện cơm bữa hàng ngày.

Đang mặn chuyện, mũi trinh sát ngoài cầu Bông Kho lại báo tin về một chuyến hàng lớn đang về. Họ, những cán bộ hải quan Quảng Trị lại mải miết lao mình vào một “chuyên án” khác./.

Xuân Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục