Ngày 26/7, Qatar cho biết "danh sách đen" do các nước Arab vừa đưa ra là "một bất ngờ đáng thất vọng" trong cuộc khủng hoảng ngoại giao đang chia rẽ vùng Vịnh.
Trước đó ngày 25/7, Saudi Arabia cùng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã công bố "danh sách đen" gồm 18 tổ chức và cá nhân có mối liên hệ với Yemen, Qatar và Libya, liệt các đối tượng này là "phần tử khủng bố" do có các quan hệ mờ ám với Hồi giáo cực đoan.
Trong số này, 3 tổ chức ở Yemen và 6 tổ chức có trụ sở tại Libya bị cáo buộc có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Ngoài ra, 3 công dân Qatar, 3 người Yemen, 2 người Libya và 1 công dân Kuwait liên qua tới hoạt động "gây quỹ ủng hộ Jabhat al-Nusra và nhiều phần tử khủng bố ở Syria."
[Mỹ: Hệ thống tài chính của Qatar được sử dụng để hỗ trợ khủng bố]
Theo hãng thông tấn AFP, Giám đốc truyền thông Chính phủ Qatar Sheikh Saif bin Ahmed Al-Thani cho rằng "danh sách đen" nói trên không có cơ sở thực tế và xâm phạm chủ quyền của Qatar. Ông nhấn mạnh đây là "một bất ngờ đáng thất vọng," theo đó các quốc gia Arab vẫn theo đuổi chiến dịch chống Qatar. Theo ông, các quốc gia này nên dành nhiều thời gian thực hiện các biện pháp chống các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan ở chính nước họ hơn là soạn thảo những danh sách không có thật này.
Hồi tháng trước, 4 quốc gia Arab nói trên đã đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar, triệu hồi các đại sứ tại Doha, đồng thời đóng cửa không phận với Qatar và yêu cầu các công dân Qatar hồi hương. Các nước trên chỉ trích Qatar ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, song Doha kiên quyết bác bỏ cáo buộc này. Các nước Arab vùng Vịnh đã áp đặt trừng phạt Qatar, đồng thời đưa ra yêu cầu gồm 13 điểm mà Doha cần phải thực hiện để giải quyết căng thẳng ngoại giao hiện nay.
Hiện Kuwait đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm tháo ngòi căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ngoại giao được nhận định là tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập năm 1981./.