Ngày 23/12, hãng tin Al Jazeera đưa tin Ngoại trưởng Qatar, ông Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, đã lên tiếng kêu gọi giảm căng thẳng ở vùng Vịnh, đồng thời kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các quốc gia Arab và Iran.
Ông Al-Thani cho rằng cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh cần được giải quyết thông qua đối thoại, tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
[Iran phản đối các nước Vùng Vịnh can dự vào đàm phán hạt nhân]
Đầu tháng này, người đứng đầu ngành ngoại giao Qatar thông báo có tiến triển trong việc giải quyết tranh cãi ngoại giao giữa các nước Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, ông từ chối dự đoán về triển vọng đạt đột phá hay một giải pháp toàn diện cho vấn đề này trong thời gian tới.
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát tháng 6/2017 khi "Bộ Tứ" do Saudi Arabia đứng đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ các nhóm cực đoan và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực.
Các nước này đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đường biển và không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này.
Doha nhiều lần phủ nhận cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các biện pháp này là không chính đáng và dựa trên các cáo buộc không có cơ sở.
Sau đó, 4 nước trên đã đưa ra yêu sách 13 điểm tới Qatar để đổi lấy sự dỡ bỏ bao vây cấm vận quốc gia, trong đó có việc đóng cửa mạng lưới truyền thông Al Jazeera, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và giảm quan hệ với Iran.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh thường niên các nước vùng Vịnh, vốn thường được tổ chức vào tháng 12 hằng năm, sẽ được Saudi Arabia đăng cai tổ chức vào ngày 5/1/2021.
Trong khi đó, quan hệ giữa các nước vùng Vịnh và Iran cũng đang bị phủ bóng đen.
Ngày 7/12, Iran đã bác bỏ lời kêu gọi của Saudi Arabia rằng các nước vùng Vịnh cần được tham vấn về các cuộc đàm phán có thể diễn ra liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran./.