Quân đội châu Âu: Liệu ông Macron có phải cảm ơn ông Trump?

Những hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự lại là một điều hay vì chúng buộc châu Âu chấp nhận rằng họ phải sát cánh bên nhau trong việc bảo vệ chủ quyền và sự thịnh vượng.
Quân đội châu Âu: Liệu ông Macron có phải cảm ơn ông Trump? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Politico)

Theo trang mạng project-syndicate, hai năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đối xử với các đồng minh châu Âu như thể họ là những kẻ thù, Pháp và Đức cuối cùng đã cam kết thành lập một lực lượng quân đội trên phạm vi toàn châu Âu dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh trung tâm.

Gạt sang một bên dấu hiệu rạn nứt trong trật tự xuyên Đại Tây Dương, động thái này hứa hẹn đẩy mạnh khối liên minh hiện tại trong dài hạn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện nỗi bất bình với châu Âu. Không những nghi ngờ sự cam kết của Mỹ đối với hệ thống phòng thủ chung dưới vỏ bọc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Trump còn đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015, vốn được ký kết giữa Iran và 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng với Đức.

Kể từ đó, chính quyền Tổng thống Trump đã đơn phương áp đặt lệnh cấm vận đối với hàng hóa đến Iran từ bất kể nước thứ ba nào, bao gồm cả những nước đã ký vào hiệp định.

Các công ty nước ngoài tiếp tục làm ăn tại Iran hiện đối mặt với mối đe dọa trừng phạt, và các ngân hàng xử lý rủi ro giao dịch mất khả năng tiếp cận đối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đã đe dọa hành động tương tự đối với Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2, đưa khí đốt từ Nga đến Đức. Quốc hội Mỹ đang cân nhắc dự luật cho phép Chính quyền Trump áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty châu Âu tham gia dự án này, ngay cả khi những công ty đó chỉ có hợp đồng giám sát.

Theo cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, hiện là chủ tịch dự án đường ống dẫn khí, Đại sứ Mỹ tại Đức đã hành động giống như một “sỹ quan sở tại” hơn là một nhà ngoại giao. Tất cả điều đó cho thấy cách hành xử phá bĩnh của Chính quyền Trump đã khiến chính phủ Pháp và Đức nổi giận. Tuy nhiên, xa hơn sự tức giận, sự chỉ trích của Trump đối với chủ quyền của các nước khác đang tiếp thêm xung lượng tạo đà mới cho sự thống nhất chính trị châu Âu. 

Không có gì bí mật khi châu Âu đang nằm trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế nội khối - hậu quả của việc các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phía Nam chất gánh nặng lên những nước còn lại với tỷ lệ lạm phát cao trước thời điểm diễn ra cuộc suy thoái tài chính vào năm 2008, khiến khả năng cạnh tranh của họ trong hệ thống châu Âu giảm mạnh.

Những vấn đề kinh tế này đã dẫn tới việc xuất hiện một số đảng dân túy hoài nghi châu Âu và hoạt động trên khắp lục địa. Gần đây, dự án châu Âu đã bị suy yếu hơn bởi quyết định của Vương quốc Anh rút khỏi EU (còn gọi là vấn đề Brexit).

Đi ngược lại thực trạng này, những hành động của ông Trump thực sự lại là một điều hay vì chúng buộc châu Âu chấp nhận rằng họ phải sát cánh bên nhau trong việc bảo vệ chủ quyền và sự thịnh vượng. Một liên minh với gần 450 triệu dân (sau Brexit) không cho phép một nước có quy mô bằng 2/3 liên minh đối xử với họ như một nhóm các nước chư hầu.

Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đã tuyên bố trong tháng này rằng họ ủng hộ sự cần thiết để thành lập một lực lượng quân đội chung của châu Âu.

Cách tốt nhất để hiểu nỗ lực này, nói như Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, là như một câu trả lời đối với yêu cầu của Trump rằng châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng. Tất nhiên, Ursula von der Leyen biết rằng sự thành lập lực lượng châu Âu độc lập không thực sự là điều mà tổng thống Mỹ đã nghĩ đến.

Tuy nhiên, giới quyền lực của Đức tin tưởng rằng lực lượng chung châu Âu có nghĩa là bổ sung và củng cố cho NATO. Khối liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ vẫn cần thiết như trước đây, hay người dân châu Âu sẽ vẫn coi trọng các đối tác Mỹ của họ với tình cảm đồng đội và sự cảm thông. Mối quan hệ lịch sử sâu sắc giữa Mỹ và châu Âu vẫn không thay đổi, mọi người đều biết sau Trump là nước Mỹ.

Tốt hơn, châu Âu một lần nữa theo đuổi sự thống nhất chính trị với sự mạnh mẽ và ý nghĩa của mục đích tập thể, và đó là cách mọi chuyện nên diễn ra. Kế hoạch này của châu Âu từ lâu đã bị đình trệ với việc đưa hội nhập kinh tế lên ưu tiên hàng đầu trong khi đẩy thống nhất chính trị xuống hàng thứ yếu.

Quả thực, Pháp, Italy, và nhóm Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembuourg) và Đức đã nhất trí thành lập lực lượng quân đội châu Âu ngay vào đầu năm 1952 dưới Khuôn khổ Cộng đồng Quốc phòng châu Âu.

[Quân đội châu Âu thực sự: Liệu có phải nhiệm vụ bất khả thi?]

Tuy nhiên, Quốc hội Pháp đã không phê chuẩn hiệp ước đó, do vậy hiệp ước này chưa bao giờ có hiệu lực.

Sau đó đến Hiệp ước Maastricht, hiệp ước đưa ra cơ hội lần thứ hai cho một liên minh chính trị. Tuy nhiên, Pháp lại một lần nữa chắn đường. Pháp ủng hộ các thành viên nằm trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu vì họ muốn các nước Địa Trung Hải, bao gồm cả chính họ, có thể được vay với lãi suất thấp như Đức trên các thị trường vốn.

Tuy nhiên, họ đã cản trở thành công việc thành lập một liên minh chính trị vốn dựa vào một quốc gia trung tâm với một quân đội chung và độc quyền sử dụng lực lượng quân đội.

Nếu hiện tại Pháp nghiêm túc về việc sáp nhập lực lượng quân đội quốc gia thành một lực lượng phòng vệ chung đặt dưới sự điều hành của bộ chỉ huy trung tâm EU - hơn là một lực lượng can dự cho những thuộc địa cũ của nước này tại châu Phi - ông Macron có thể ghi danh vào lịch sử đất nước. Có nhiều việc cần phải làm. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, ông Macron sẽ phải cảm ơn ông Trump./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục