Quân đội Pakistan làm trung gian hòa giải khủng hoảng chính trị

Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan đã chỉ định Tướng Raheel Sharif làm trung gian hòa giải nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.
Quân đội Pakistan làm trung gian hòa giải khủng hoảng chính trị ảnh 1Người ủng hộ thủ lĩnh đối lập Pakistan Imran Khan nghe bài phát biểu của ông trước Quốc hội ở Islamabad ngày 28/8. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/8, Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan đã chỉ định Tướng Raheel Sharif làm trung gian hòa giải nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nửa tháng qua ở nước này.

Hai thủ lĩnh đối lập của Pakistan là Imran Khan và Tahir ul-Qadri cũng đã nhất trí ngồi vào bàn đàm phán với quân đội trong vòng 24 giờ tới. Các động thái trên được đưa ra một ngày sau khi phe đối lập bác bỏ quyết định của chính phủ mở một cuộc điều tra tội giết người, trong đó Thủ tướng Nawaz Sharif là một nghi can, vì cho rằng như vậy vẫn chưa đủ và đòi Thủ tướng từ chức.

Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Islamabad, Chủ tịch Phong trào Nhân dân Pakistan (PAT) Tahir ul-Qadri cho biết Tư lệnh quân đội đã chính thức đề nghị làm "người hòa giải và bảo trợ," và đề nghị cho quân đội 24 giờ để làm việc này.

Chủ tịch đảng Pakistan Tehrik-e-Insaf (PTI) Imran Khan cũng đã xác nhận động thái trên đồng thời cho biết "đàm phán đã bắt đầu."

Trong cuộc hội đàm với Tư lệnh quân đội ngày 28/9, ông Khan cho biết quan điểm của PTI là mọi cuộc điều tra độc lập về bầu cử sẽ không thể diễn ra chừng nào ông Sharif còn đương nhiệm, và các cuộc biểu tình ngồi sẽ tiếp diễn cho tới khi ông Sharif ra đi.

Hai thủ lĩnh đối lập trên cáo buộc có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử ở Pakistan tháng 5/2013 mà ông Sharif lên nắm quyền. Tuy nhiên, các quan sát viên quốc tế đều khẳng định đây là cuộc bầu cử tự do và không gian lận.

Bên cạnh kêu gọi cải cách chính trị, ông Qadri còn đề nghị cảnh sát cáo buộc tội giết người đối với ông Sharif liên quan đến vụ ít nhất 10 người ủng hộ phe đối lập bị sát hại trong các cuộc đụng độ ở thành phố Lahore, miền Tây hồi tháng Sáu vừa qua.

Một tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng cho biết các đề nghị này đã dẫn tới việc mở một cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp cao của chính phủ, trong đó có ông Sharif. Nhưng thủ lĩnh đối lập vẫn bác bỏ động thái này vì cảnh sát không nằm trong số đối tượng nghi can trong khi họ cho rằng cảnh sát cũng có vai trò trong vụ việc.

Cũng trong sáng 28/9, Thủ tướng Sharif đã gặp Tư lệnh quân đội để thảo luận về bế tắc chính trị hiện nay. Đây là cuộc gặp thứ hai trong ba ngày qua. Hai bên đã nhất trí "áp dụng các biện pháp cần thiết để nối lại tiến trình đàm phán nhằm nhanh chóng tìm ra một giải pháp phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục