Quân đội Trung Quốc với nhiệm vụ hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa"

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây gần một thập kỷ, Bắc Kinh đã chuyển từ học thuyết “giấu mình, chờ thời” sang “chủ động, tích cực” trên trường quốc tế.
Quân đội Trung Quốc với nhiệm vụ hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa" ảnh 1Binh sỹ quân đội Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi dịch COVID-19 càn quét Iran vào tháng 3 năm ngoái, khiến hơn 1.000 người chết, bao gồm cả chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tehran đã tìm đến sự giúp đỡ của quân đội Trung Quốc.

Ngày 19/3/2020, hàng loạt bộ test xét nghiệm, đồ bảo hộ y tế cá nhân (PPE) và khẩu trang đã được chuyển đến thủ đô của Iran.

Tháng 2 năm nay, quân đội Trung Quốc cũng đã bắt đầu tài trợ vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tác nước ngoài, theo đó quân đội Campuchia đã nhận được 2 đợt gồm 300.000 liều vaccine, quân đội Sierra Leone nhận được 40.000 liều và Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhận được 300.000 liều.

Quân đội Trung Quốc đã tự hào công khai thành tích của mình, coi đây là ví dụ mới nhất về việc quân đội giúp Trung Quốc trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm.”

Trang mạng của Bộ quốc phòng Trung Quốc đã quảng bá mạnh mẽ hàng loạt hoạt động đối ngoại của quân đội Trung Quốc với các nước bằng các khẩu hiệu khác nhau.

Về mặt lịch sử, quân đội Trung Quốc chỉ đóng một vai trò nhỏ trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Tuy nhiên, kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây gần một thập kỷ, Bắc Kinh đã chuyển từ học thuyết “giấu mình, chờ thời” sang “chủ động, tích cực” trên trường quốc tế.

Năm 2015, ông Tập Cận Bình đã thúc giục quân đội đóng một vai trò nổi bật hơn trong việc hỗ trợ chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Cũng trong năm đó, quân đội Trung Quốc đã cử một nhóm gồm 163 chuyên gia y tế đến Liberia để hỗ trợ quốc gia Tây Phi này ngăn chặn dịch Ebola.

[Trung Quốc không cho phép thế lực bên ngoài can thiệp công việc nội bộ]

Tuy nhiên, theo bà Meia Nouwens - chuyên gia cao cấp về chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London - kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, vai trò của quân đội đã được phát huy để phục vụ cả các mục tiêu chiến lược và hoạt động của Trung Quốc.

Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào năm ngoái, bà Nouwens bắt đầu nhận thấy PLA tăng cường hỗ trợ các đối tác nước ngoài trong cuộc chiến chống COVID-19.

Chỉ một tháng sau, các khoản quyên góp y tế của Trung Quốc đã tăng 400% so với cùng kỳ năm trước. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, kể từ đầu năm 2020, quân đội Trung Quốc đã cung cấp viện trợ y tế cho hơn 50 đối tác quân sự.

Cơ hội nâng cao vị thế của Trung Quốc

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tận dụng dịch COVID-19 như một cơ hội để mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai chính sách ngoại giao "chiến lang" hung hăng, chính sách ngoại giao COVID-19 của Bắc Kinh đã khiến một số nhà bình luận phương Tây lo ngại.

Mặc dù vậy, bà Nouwens cho rằng đây cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo phương Tây đưa ra các lựa chọn thay thế của riêng họ. Bà nói: “Vào thời điểm phương Tây đang cố gắng đẩy lùi câu chuyện của Trung Quốc và cải thiện quan hệ đối tác với các nước để đưa ra các giải pháp thay thế cho sáng kiến 'Vành đai và Con đường' hay cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phương Tây cần phải đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng họ không chỉ nói về quan hệ đối tác mà lời nói phải đi đôi với hành động.”

Tiến sỹ Bonny Lin, Giám đốc dự án Sức mạnh Trung Quốc của CSIS, đưa ra một nhận định sâu hơn. Bà nói: “Điều đặc biệt quan trọng đối với các nước phương Tây là tăng cường tài trợ vaccine cho các quốc gia có nhu cầu, điều này hoàn toàn trái ngược với quyết định của Trung Quốc về việc cung cấp số lượng lớn vaccine thông qua bán hàng thương mại.”

Vai trò của PLA trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc được tăng cường nhờ việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Vào cuối năm nay, Bắc Kinh sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 6,8% lên 1,35 tỷ nhân dân tệ (208 tỷ USD).

Trong vài năm gần đây, ông Tập Cận Bình cũng đã nêu rõ “giấc mơ về một lực lượng vũ trang hùng mạnh” trong tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” của mình.

Điều này liên quan đến việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc vào năm 2035 và nâng lực lượng này lên thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này. Nói cách khác, quân đội Trung Quốc đang hướng tới việc vượt qua quân đội Mỹ về sức mạnh.

Dư luận tại Washington xem xu hướng này là đáng báo động. Mặc dù tính đến năm nay, tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc vẫn chưa bằng 1/3 của Mỹ, song đây lại là con số lớn nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Họ nói rằng chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng của Trung Quốc cuối cùng sẽ thúc đẩy giới lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, ví dụ như Đài Loan.

Tháng 3 vừa qua, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết: “Tôi lo rằng họ (Trung Quốc) đang đẩy nhanh tham vọng thay thế Mỹ và vai trò lãnh đạo của chúng ta trong trật tự quốc tế dựa trên luật lệ... vào năm 2050. Đài Loan rõ ràng là một trong những tham vọng của họ. Và tôi nghĩ rằng mối đe dọa đã hiện hữu trong suốt thập kỷ này, và trên thực tế là cả trong 6 năm tới.”

Hiện tại, phương Tây đã đưa ra các biện pháp ứng phó trước nguy cơ này. Tuần trước, Mỹ, Anh và Australia đã công bố mối quan hệ đối tác an ninh ba bên lịch sử mà các nhà quan sát cho rằng nhằm kiểm chế Trung Quốc.

Ngoài ra, Đài Loan cũng diễn tập các kỹ năng cần thiết trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công trong các cuộc tập trận hàng năm. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ca ngợi lực lượng vũ trang Đài Loan vì “kỹ năng chiến đấu tuyệt vời, hành động nhanh chóng và thực tế.”

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình cũng đã yêu cầu các lực lượng vũ trang của Trung Quốc nâng cao “tính hiệp đồng" - khả năng phối hợp giữa ba lực lượng hải-lục-không quân một cách nhanh chóng và hiệu quả trong một cuộc chiến thực sự và phức tạp. Đây là một mệnh lệnh có yêu cầu cao bởi quân đội Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu kể từ cuộc chiến biên giới năm 1979 với Việt Nam.

Theo nhận định của Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND của Mỹ, quân đội Trung Quốc phần lớn chưa được kiểm tra về thực chiến và không rõ họ có thể chiến đấu tốt đến mức nào nếu một cuộc chiến thực tế nổ ra.

Ông Heath nói thêm: “Kỷ luật và khả năng tuân thủ các quy định của quân đội vẫn không đồng đều do tình trạng tham nhũng vẫn lan tràn và việc thực thi các quy định còn nhiều yếu kém. Điều này có nghĩa là giới lãnh đạo quân đội không thể chắc chắn rằng toàn bộ lực lượng quân đội có thể thực hiện các hoạt động một cách nhất quán và có thể đoán định trước.”

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với quân đội Trung Quốc là phải nâng cao năng lực bằng các công nghệ mới nhất cũng như huấn luyện chiến đấu sử dụng thiết bị công nghệ cao.

Bắc Kinh hiểu rõ điểm yếu của mình và đang nỗ lực để khắc phục. Ông Heath cho biết trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường huấn luyện quân sự để đối phó với một loạt các vấn đề - từ vấn đề Đài Loan đến các mối đe dọa đối với công dân Trung Quốc và các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước khác. Quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên hơn với các đối tác của mình, chẳng hạn như Nga.

Đầu tháng 8/2021, khoảng 10.000 binh sỹ Trung Quốc và Nga đã tiến hành diễn tập và hợp tác quân sự với các nước đang phát triển, bao gồm đào tạo về công nghệ tên lửa và máy bay không người lái, cũng như các khóa đào tạo kỹ thuật cơ bản và khác.

Tiến sỹ Lin nói: “Mặc dù các nước đối tác công nhận rằng quân đội Mỹ và phương Tây cung cấp các khóa huấn luyện tiên tiến và tinh vi nhất, nhưng các nước vẫn coi trọng việc huấn luyện quân sự của Trung Quốc và hưởng lợi từ các khóa huấn luyện cơ bản hơn mà PLA cung cấp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục