Quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong tương quan với Trung Quốc ở Biển Đông

Tuy không bao hàm khía cạnh quân sự, song Nhật Bản nhấn mạnh vào sự bình đẳng với ASEAN và đối thoại “từ trái tim đến trái tim” với các nước Đông Nam Á.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

ASEAN hiện đang nắm giữ vai trò trung tâm tại Biển Đông, nơi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây hấn. Việc này đã buộc các cường quốc ngoài khu vực có những động thái nhằm bảo vệ sự cân bằng chiến lược tại đây. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Pradhan về vấn đề này, đăng trên tờ Times of India.

Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối thoại không chính thức với ASEAN vào năm 1973 và chính thức hoá quan hệ vào năm 1977.

Với tư cách là một thể chế, Nhật Bản vẫn luôn cung cấp sự hỗ trợ bền vững cho ASEAN. Như Ấn Độ và Mỹ, Nhật Bản cũng hợp tác với ASEAN trên cả cấp độ song phương và đa phương. Học thuyết Fukuda 1977 của Nhật Bản là cơ sở để xác định quan hệ với ASEAN.

Tuy không bao hàm khía cạnh quân sự, song Nhật Bản nhấn mạnh vào sự bình đẳng với ASEAN và đối thoại “từ trái tim đến trái tim” với các nước Đông Nam Á.

Chiến lược tập trung vào kinh tế của Nhật Bản không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của nước này, mà còn đối với cả các nền kinh tế Đông Nam Á.

Sự mở rộng của ASEAN trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh mở ra giai đoạn hội nhập kinh tế, bao gồm thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 4 năm 1992.

Ngoài ra, chiến lược của ASEAN còn nhằm đảm bảo vai trò trung tâm trong xây dựng các thoả thuận khu vực lớn ngoài phạm vi Đông Nam Á, chẳng hạn như Diễn đàn khu vực ASEAN (hay còn gọi là ARF, được thành lập năm 1994) và mở rộng quan hệ đối tác đối thoại với các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.

Quan hệ Nhật Bản-ASEAN vốn được thúc đẩy bởi kinh tế, song mối đe doạ từ Trung Quốc đã khiến cả hai bên nhận thức được sự cần thiết của nhau. Về kinh tế, quan hệ Nhật Bản-ASEAN phát triển nhờ mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau ràng buộc hơn và sự mở rộng lĩnh vực hợp tác, như công nghệ thông tin và nguồn nhân lực.

Diễn đàn AEM-METI được thành lập, quy tụ các Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) và Bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghệ (METI) của Nhật Bản. Năm 1998, Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Công nghệ AEM-METI đã được thành lập để đưa ra các hình thức triển khai cụ thể những biện pháp hợp tác được thống nhất ở cấp Bộ trưởng.

[Quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản tiến triển bất chấp COVID-19]

Cả hai bên đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Nhật Bản-ASEAN, có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1 năm 2007. Trước đó, Nhật Bản cũng đã ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) vào năm 2004.

Sự trỗi dậy và hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đòi hỏi quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa của Nhật Bản và ASEAN. Quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ gia tăng căng thẳng trong khu vực, mà còn đe doạ đến sự cân bằng quyền lực chiến lược.

Do đó, lĩnh vực an ninh trong quan hệ song phương Nhật Bản-ASEAN đã được mở rộng, đặc biệt dưới thời Chính quyền Abe Shinzo.

Quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong tương quan với Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Nguồn: The Japan Times/TTXVN)

Tuyên bố Bali năm 2011 nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác chính trị-an ninh trong khu vực, đồng thời đề cập đến việc tăng cường hợp tác dựa trên nguyên tắc, luật pháp quốc tế và tinh thần của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á; hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công hợp Liên hợp quốc về Luật biển, cụ thể như tự do và an toàn hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông.

Thái độ cứng rắn và hung hăng của Trung Quốc đã buộc Nhật Bản tăng cường quan hệ với Mỹ, Ấn Độ và ASEAN.

Dưới thời Chính quyền Abe Shinzo, Nhật Bản đã thúc đẩy chính sách ngoại giao khu vực như sau: (1) Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ; (2) Củng cố liên minh Nhật-Mỹ; (3) Tăng cường hợp tác với các quốc gia duyên hải tại châu Á như ASEAN, Australia và Ấn Độ. QUAD cũng đang được thúc đẩy để đảm bảo hòa bình khu vực theo đề xuất ban đầu của ông Abe.

Nhật Bản và ASEAN đã phát triển quan hệ như những đối tác thiết yếu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thứ nhất, Nhật Bản ủng hộ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của các nước ASEAN, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN và các công ty nước ngoài vào ASEAN. Gần đây, Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho các công ty chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN.

Thứ hai, Nhật Bản và ASEAN đã trở thành “đối tác kinh tế” không thể thiếu. Hai bên là các đối tác thương mại, kinh doanh và kinh tế lớn của nhau.

Thứ ba, Nhật Bản và ASEAN cũng là đối tác ngoại giao khu vực vì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Từ những quan hệ hợp tác chặt chẽ kể trên, có thể thấy Nhật Bản có một hình ảnh tốt đẹp đối với ASEAN. Nhật Bản được coi là một đối tác bình đẳng, sẵn sàng hỗ trợ tài chính cần thiết cho ASEAN ở cả cấp độ song phương và đa phương.

Âm mưu bành trướng lãnh thổ và nỗ lực thiết lập bá quyền trong khu vực nhằm thay thế Mỹ của Trung Quốc đã khiến Đông Nam Á trở thành trung tâm địa chính trị và địa kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hợp tác ASEAN-Nhật Bản có thể gây ra áp lực kinh tế đáng chú ý đối với Trung Quốc.

Tương lai hợp tác Nhật Bản-ASEAN rất tươi sáng. Sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản mang ý nghĩa vô giá đối với sự phát triển kinh tế của ASEAN, giúp phát triển cơ sở hạ tầng ASEAN nhằm thực hiện công nghiệp hoá tại khu vực. Khi làn sóng chống Trung Quốc ngày càng tăng cao, Nhật Bản sẽ tăng cường lựa chọn ASEAN như là những điểm đến để di dời các khu công nghiệp.

Điều này mang lại nhiều lợi ích bởi nó sẽ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất do giá thuê đất và nguồn lao động tại ASEAN rẻ và dồi dào. Với sự hỗ trợ từ Nhật Bản, các công ty có thể chuyển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Nhật Bản cũng sẽ giúp phát triển chuỗi cung ứng thay thế có lợi cho tất cả quốc gia.

Vì mục đích an ninh, QUAD có thể phát triển thành Bộ Tứ mở rộng bao gồm ASEAN. Việc này là hết sức cần thiết để đảm bảo chủ quyền trong tình hình hiện nay. Nhật Bản và ASEAN cũng có thể hợp tác trên nhiều kênh và lĩnh vực khác nhau hơn nữa, như lĩnh vực ngoại giao, giao lưu nhân dân và du lịch.

Hai bên có những điểm bổ trợ cho nhau trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư bất thường, thiếu hụt lương thực, buôn người, buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Hợp tác trên những khía cạnh trên có thể tạo ra động lực lớn hơn.

Với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, một nước có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản, ASEAN có thể có những biện pháp phù hợp giải quyết các vấn đề trên nhờ đường lối tương đồng với chính sách đối ngoại Nhật Bản.

Quan hệ hai bên cũng sẽ có nhiều thách thức. Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng để chia rẽ ASEAN và làm suy yếu quan hệ Nhật Bản-ASEAN, đảm bảo ASEAN không gây ra áp lực mạnh mẽ đối với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc. Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với Quần đảo Senkaku của Nhật Bản, do đó sẽ không vừa mắt với quan hệ gắn bó giữa Nhật Bản và ASEAN.

Trung Quốc cũng không mong muốn các công ty chuyển trụ sở từ Trung Quốc sang ASEAN, vì vậy có thể sẽ có những biện pháp cụ thể với các công ty này, nhiều khả năng là trừng phạt kinh tế.

Ngoài ra, trong bối cảnh cơ sở kinh tế có vai trò rõ ràng trong quan hệ Nhật Bản-ASEAN, hoạt động chính trị từ những nhóm mâu thuẫn lợi ích trong mỗi nước cũng sẽ gây ra một số khó khăn nhất định.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải điều phối các mối quan hệ tác động đến sự thống nhất và đoàn kết ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục