Quan hệ bền chặt Việt-Pháp được củng cố ngay trong thời điểm khó khăn

Bà Stéphanie Đỗ, Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp, khẳng định mối quan hệ mọi mặt giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là giữa hai cơ quan lập pháp, là một mối liên kết rất mạnh mẽ.
Quan hệ bền chặt Việt-Pháp được củng cố ngay trong thời điểm khó khăn ảnh 1Bà Stéphanie Đỗ, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp, tiếp Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn bà Stéphanie Đỗ, nghị sỹ, Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp, về quan hệ giữa hai nước.

Bà đánh giá mối quan hệ mọi mặt giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là giữa hai cơ quan lập pháp, là một mối liên kết rất mạnh mẽ và không chịu tác động của cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Theo bà Stéphanie Đỗ, Việt Nam và Pháp đã được hưởng những lợi ích từ quan hệ đối tác lâu đời giữa hai bên và lâu nay y tế là một điểm mạnh trong hợp tác song phương. Vì thế, hai nước đã có sự tương trợ lẫn nhau trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19.

Việt Nam đã thể hiện tấm lòng hào hiệp khi gửi tặng khẩu trang kháng khuẩn tới Pháp cùng nhiều thiết bị y tế khác.

Bà nhấn mạnh ngay từ lần giãn cách đầu tiên, thời điểm những chiếc khẩu trang vẫn còn khan hiếm, một cầu hàng không đã được thiết lập tới nước Pháp như một minh chứng cho tình đoàn kết lớn lao của Việt Nam.

Về phần mình, đầu tháng Sáu vừa qua, bà đã gửi thư tới Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó kêu gọi Pháp thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam, mà lần này là trợ giúp vaccine phòng COVID-19.

Liên quan đến các sáng kiến của Pháp ở phương diện này, bà Stéphanie Đỗ bày tỏ vui mừng trước việc Pháp tăng cường huy động nguồn cung vaccine, nhanh và hiệu quả cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX và việc Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng những nguồn lực cần thiết cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay chỉ có thể được tìm thấy trong nỗ lực và sự đoàn kết tập thể. Đó là lý do bà thấy trước hết cần giúp đỡ những người bạn Việt Nam và hơn 670.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca mà Pháp trao tặng Việt Nam là một minh chứng tốt đẹp cho tình đoàn kết bền chặt giữa hai nước, chứng tỏ mối thân tình quý báu gắn kết hai nước, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Quan hệ bền chặt Việt-Pháp được củng cố ngay trong thời điểm khó khăn ảnh 2Trao tặng khẩu trang cho đại diện Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)

Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Stéphanie Đỗ cũng nhấn mạnh tới quan hệ thể chế tin cậy và lâu dài, đặc biệt là giữa các cơ quan lập pháp hai nước. Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên ủng hộ chính sách cải cách của Việt Nam, ủng hộ sự phát triển và mở cửa của Việt Nam và triển khai hợp tác rất mạnh mẽ.

Bà chia sẻ ở cương vị của mình, bà đặt mục tiêu chính là tạo dựng mối liên kết giữa các nghị sỹ Pháp và Việt Nam. Các nhóm liên nghị viện chính là những nhân tố đích thực trong chính sách đối ngoại của Pháp và theo nghĩa này, cũng là những công cụ quảng bá quốc tế của Quốc hội Pháp ở nước ngoài.

Thông qua Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội, bà đã có nhiều cơ hội gặp gỡ và kết nối chặt chẽ với môi trường thể chế và chính trị Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa các thể chế của hai nước. Mục tiêu chính của nhóm là tổ chức các đoàn công tác đồng cấp tới Việt Nam và đón tiếp các đoàn Quốc hội Việt Nam tới Pháp.

Mỗi chuyến thăm như vậy luôn chứng tỏ mối quan hệ ngày một phong phú và đa dạng hơn, gắn kết giữa hai nước. Trong khuôn khổ các cuộc trao đổi song phương, bà cũng đã nhiều lần tiếp các đoàn Việt Nam tại Pháp. Mỗi lần là một cơ hội để hai nước cùng phác thảo định hướng chính cho hợp tác trong tương lai.

[Quan hệ Việt Nam-Pháp là sự tích lũy quan trọng cả về lượng và chất]

Bà Stéphanie Đỗ cho biết Tổng thống Emmanuel Macron cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ và cải thiện quan hệ Pháp-Việt. Năm 2018, ông đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm cũng như những bước tiến trong quan hệ song phương được đánh dấu trong năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam.

Gần đây hơn, ngày 11/5, Tổng thống Macron đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai nước đã cam kết thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các hiệp định song phương về dẫn độ và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự ngay khi có hiệu lực, bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và đối phó với các nguy cơ phi truyền thống như tội phạm có tổ chức, kinh tế và tài chính, rửa tiền, tài trợ cho khủng bố.

Về quan hệ kinh tế và thương mại giữa Pháp và Việt Nam, bà Stéphanie Đỗ nhấn mạnh trong thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 4 lần, đạt hơn 6,5 tỷ euro.

Bà cho biết với tư cách Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt trong Quốc hội, bà đã đến Việt Nam hai lần, đặc biệt là vào năm 2018 khi tháp tùng cựu Thủ tướng Edouard Philippe nhân kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Chuyến thăm này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế thương mại Pháp-Việt với nhiều hợp đồng có giá trị được ký kết, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Pháp ở Việt Nam.

Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp đánh giá văn hóa và giáo dục là những lĩnh vực làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Theo bà, văn hóa và giáo dục luôn là những yếu tố đặc biệt cho phép các dân tộc trên thế giới đánh giá cao lẫn nhau và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị. Tiếng Pháp là một trong những công cụ chủ chốt làm nên sức mạnh mềm của Pháp và do đó cần được gìn giữ và phát triển.

Trên tinh thần như vậy, trong chuyến công du Việt Nam năm 2018 của Thủ tướng khi đó là Edouard Philippe, Pháp đã khánh thành một trường trung học phổ thông mới của Pháp tại Hà Nội - Trường trung học Alexandre-Yersin. Việt Nam hiện có 600.000 người nói tiếng Pháp và là một trong những trụ cột lịch sử giúp mở rộng ảnh hưởng của tiếng Pháp trên thế giới.

Bà Stéphanie Đỗ bày tỏ ủng hộ chính sách đối ngoại của Pháp theo hướng củng cố quan hệ với ASEAN vì đây là một đối tác quan trọng của Pháp và Việt Nam là một thành viên của ASEAN.

Bà nhấn mạnh Pháp và ASEAN chia sẻ quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế. Do đó, việc ASEAN công nhận Pháp là đối tác phát triển là bước tiến quan trọng, nhấn mạnh sự gắn kết đặc biệt giữa hai bên. Điều này cũng nằm trong chiến lược của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho phép Pháp tăng cường đóng góp vào hòa bình, an ninh và sự ổn định của khu vực.

Là tuyến hàng hải quốc tế lớn, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là khu vực then chốt trên bình diện kinh tế, thương mại và năng lượng quốc tế, là điểm nóng toàn cầu đối với an ninh của các chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội cho rằng trước các thách thức địa chính trị và kinh tế quan trọng tại khu vực, việc củng cố mối liên hệ giữa Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN cần được chú trọng để hỗ trợ hiệu quả các lựa chọn chính sách nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng lâu dài cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

Bà Stéphanie Đỗ cũng lưu ý rằng Pháp là nước duy nhất trong EU có các lãnh thổ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do đó Pháp là nhân tố hoàn toàn thuộc không gian địa chính trị này.

Về thâm hụt cán cân thương mại của Pháp với Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội cho biết năm 2020, thâm hụt thương mại của Pháp với Việt Nam đã là 4,4 tỷ euro (tăng 9,6%), với kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam là 965 triệu euro (giảm 40,4%) và kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam là 5,4 tỷ euro (giảm 4,7%).

Nguyên nhân là do các hoạt động kinh tế thương mại tại Pháp giảm trước tác động của dịch COVID-19 và nằm trong xu hướng giảm chung của lĩnh vực xuất khẩu của Pháp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trên 7%/năm. Việt Nam đã thành công trong việc khôi phục sớm hoạt động của các nhà máy, thu hút một lượng lớn đối tác quốc tế đến với nền kinh tế của mình.

Bà Stéphanie Đỗ nhấn mạnh chính sách quản lý khéo léo này cho phép Việt Nam giành thêm thị phần trong những điều kiện khó khăn. Theo bà, hai nước cần phải tạo thêm động lực mới cho quan hệ thương mại song phương bằng cách phát huy các lĩnh vực đỉnh cao như công nghiệp hàng không và dược phẩm.

Bà cũng lưu ý rằng tất cả chiến lược hợp tác phải nằm trong khuôn khổ tổng thể một dự án phát triển bền vững và điều đó có ý nghĩa sống còn cho sự sinh tồn của nhân loại. Những thách thức có tính chất toàn cầu này đòi hỏi giải pháp phải mang tính bao trùm và kinh tế cần trở thành lĩnh vực tăng cường hợp tác trên quy mô toàn thế giới, nhưng trước hết là với các đối tác ưu tiên, những nước đã cùng nhau chia sẻ một giai đoạn lịch sử chung, lâu dài và phong phú.

Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Stéphanie Đỗ đánh giá chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa to lớn vì các cuộc trao đổi song phương đóng góp vào sự thịnh vượng và vị thế quốc tế của hai nước.

Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi cuộc khủng hoảng COVID-19 một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của quan hệ song phương. Ngay từ đầu đợt phong tỏa thứ nhất tại Pháp, hai nước đã thể hiện sự giúp đỡ lẫn nhau và tình đoàn kết lớn lao.

Các cuộc gặp cấp cao cho phép lãnh đạo hai nước trao đổi về hàng loạt chủ đề như hệ thống nghị viện của Pháp, tình hình chính trị hai nước, tình hình quốc tế và sự quan tâm của Pháp đối với Việt Nam, nhất là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bà Stéphanie Đỗ khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội quý để hai nước chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi quan điểm.

Theo Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội, hiện là thời điểm cho các cuộc đối thoại xây dựng rất quan trọng đối với nỗ lực củng cố quan hệ đối tác Pháp-Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục