Quan hệ Việt-Mỹ trong năm 2020 và tiềm năng trong năm 2021

Tổng thống Trump rất kỳ vọng vào cơ hội hợp tác hơn nữa với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ và các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Quan hệ Việt Nam-Mỹ đã có những bước phát triển tốt đẹp trong thời gian gần đây. Theo Tiến sĩ Pankaj (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh, Đại học toàn cầu OP Jindal, Ấn Độ), Việt Nam ngày càng được đánh giá là cường quốc tầm trung và việc mối quan hệ Việt-Mỹ được đẩy lên tầm cao mới sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới.

Cuối năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thăm Việt Nam để thảo luận về các vấn đề liên quan đến quan hệ Đối tác Toàn diện song phương Mỹ-Việt và tìm kiếm các lĩnh vực phát triển quan hệ.

Đây là một chuyến thăm ngắn ngày, tuy nhiên rất tập trung và thực chất. Theo các văn bản được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng. Việc hai nước ký kết thỏa thuận Đối tác Toàn diện hồi năm 2013 cho thấy Mỹ mong muốn phát triển quan hệ song phương đi sâu vào các lĩnh vực quốc phòng, chiến lược và kinh tế hơn nữa.

Sau đó, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017 và các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (2016), Tổng thống Donald Trump (11/2017) khẳng định mong muốn cùng tăng cường mối quan hệ của hai nước.

Việt Nam ngày càng được đánh giá là cường quốc tầm trung, là trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.

Sự phục hồi kinh tế hiệu quả của Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19 cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn vào năm 2021, cũng như sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo.

Tổng thống Trump rất kỳ vọng vào cơ hội hợp tác hơn nữa với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ và các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng đảm nhiệm vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, do đó, có thể thấy hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa Mỹ và Việt Nam, giúp kiến tạo hòa bình trong khu vực.

Một trong những kết quả nổi bật của quan hệ song phương Mỹ-Việt là trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, được nhấn mạnh bởi chuyến thăm của hai tàu sân bay Mỹ là USS Carl Vinson (2018) và USS Roosevelt vừa qua.

Mỹ cũng mời các cán bộ quân đội Việt Nam sang tập huấn tại những học viện quân sự cao cấp và tham gia các khoá đào tạo chỉ huy.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng xem xét xuất khẩu vũ khí và thiết bị quốc phòng sang Việt Nam bởi chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đang tăng đều trong những năm qua tại Đông Nam Á, và Việt Nam đang hướng tới hiện đại hoá lực lượng hải quân và không quân. Việt Nam cũng đánh giá rằng để tăng trưởng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, cần xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Mỹ.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã mở ra thị trường châu Âu cho Việt Nam, và Việt Nam cần tận dụng hiệu quả cơ hội từ thị trường này để hồi phục kinh tế tốt hơn nhờ các ưu đãi thuế quan và biện pháp thuận lợi hoá thương mại. Việc ký kết RCEP cũng đem đến cơ hội cho 15 nước tham gia hiệp định. Việt Nam cũng đồng thời là thành viên của CPTPP và tiến trình APEC.

Tại Đối thoại Mỹ-ASEAN lần thứ 33 tổ chức ở Washington D.C hôm 4/8, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN được đánh giá là đóng vai trò quan trọng với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Mỹ đã rất tích cực trong giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông và chính thức hoá dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để tạo điều kiện áp dụng các quy tắc tiêu chuẩn, từ đó duy trì hòa bình lâu dài trên Biển Đông.

Tại cuộc họp, Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết của các quy tắc rõ ràng, minh bạch trên cơ sở UNCLOS và cam kết với Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài. Với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN đã xử lý được đại dịch COVID-19 và Mỹ cũng bày tỏ niềm tin vào khả năng phục hồi của ASEAN đối với nợ không bền vững.

Mỹ đã tuyên bố hỗ trợ hơn 87 triệu USD cho cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, thuốc men và các dịch vụ khác để đối phó với COVID-19 tại khu vực ASEAN. Một trong những lĩnh vực nền tảng mà Việt Nam nhấn mạnh là cần phải có sự tham gia của Mỹ là lĩnh vực giáo dục, đào tạo các nhân viên y tế công.

Đây là một thành tựu trong năm Chủ tịch của Việt Nam nhằm nhận được sự đào tạo có chất lượng từ Mỹ và phát triển sức mạnh tổng hợp trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học.

Quan hệ Việt-Mỹ trong năm 2020 và tiềm năng trong năm 2021 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Cố vấn an ninh quốc gia, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ Robert C.Obrien cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự hội nghị trực tuyến ASEAN-Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Năm 2020 là dịp kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ-ASEAN. Xuyên suốt các cuộc thảo luận trong năm giữa hai bên, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) được đánh giá là tương đồng trong các khía cạnh tôn trọng chủ quyền, pháp quyền, cũng như nhấn mạnh các khuôn khổ dựa trên luật lệ, tăng cường minh bạch trong khu vực để thúc đẩy hòa bình, an ninh tại các vùng biển tranh chấp.

Trong các hội nghị ASEAN, Mỹ đã cam kết phát triển hệ thống điều phối khẩn cấp y tế công cộng tại Đông Nam Á, ủng hộ minh bạch dữ liệu và các biện pháp pháp lý để hỗ trợ các nước Đông Nam Á thuộc ASEAN.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thành lập mạng lưới cựu sinh viên y tế tương lai nhằm thúc đẩy các chương trình trao đổi giữa các nước ASEAN và Mỹ, phát triển hợp tác giữa các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh hai bên.

Mỹ đã đề xuất thành lập một liên minh giáo dục y tế tư nhân và đầu tư vào Việt Nam để nâng cao năng lực trong lĩnh vực y tế. Hơn nữa, trong ASEAN, vốn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy kỹ năng, phát triển nguồn lực nhằm tạo điều kiện cho tự lực.

Mỹ cũng đề xuất hỗ trợ tài chính để phát triển và đào tạo giám đốc điều hành tầm trung theo chương trình thuộc Đại học Fulbright Việt Nam tại Thành phố Hồ chí Minh. Việc Mỹ rất chú trọng vào công nghệ, đổi mới và hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy Mỹ rất quan tâm đến vấn đề đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong tiến hành đổi mới và nghiên cứu.

Như đã thấy, vào năm 2020, Mỹ đã hỗ trợ hệ thống một cửa của ASEAN, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại ngày càng tăng giữa ASEAN và Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hệ thống thông quan kỹ thuật số trong hải quan.

Mỹ cũng đang nỗ lực tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và trao quyền kinh tế cho phụ nữ trên khắp châu Á. Tại Việt Nam, một tỷ lệ khá lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ được điều hành bởi phụ nữ, cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế nhanh của Việt Nam trong khu vực.

Một trong những lĩnh vực cũng hết sức được chú trọng là giải quyết nhu cầu năng lượng và đáp ứng các yêu cầu về điện tại Đông Nam Á.

Mỹ và Việt Nam đã và đang nhấn mạnh việc nghiên cứu về nạn buôn người và lao động cưỡng bức trong khu vực. Với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN cũng đã đề xuất nghiên cứu và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải với Mỹ.

Nhìn chung, năm 2020 được đánh giá là một năm bước ngoặt trong phát triển quan hệ song phương Mỹ-Việt tốt đẹp hơn, đồng thời thu hút được sự tham gia của Mỹ trong các hoạt động của ASEAN.

Số lượng các dự án và chương trình hỗ trợ được Mỹ công bố trong năm 2020 cho thấy Mỹ sẽ tập trung hơn vào khu vực này, đặc biệt là các thách thức địa chính trị đang nổi lên và căng thẳng trên Biển Đông.

Về phía mình, Việt Nam đã vận động sự ủng hộ của các nước ASEAN để nêu vấn đề Biển Đông và thềm lục địa mở rộng, nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu và Mỹ tại Liên hợp quốc. Vai trò lãnh đạo này đã mở ra một giai đoạn mở trong phát triển quan hệ đối tác Mỹ-Việt.

Quan hệ song phương Mỹ-Việt được đánh giá có thể đạt tới tầm phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai, trong bối cảnh những tương tác chính trị ngày càng tăng giữa hai nước.

Tuy nhiên, liệu mối quan hệ này có phát triển lên tầm cao mới hay mất đi động lực phụ thuộc phần lớn vào định hướng của Chính quyền Joe Biden./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục