Quản lý vốn Nhà nước: Sao để hết cảnh "vừa đá bóng, vừa thổi còi?"

Quan điểm thành lập một cơ quan độc lập để quản lý, giám sát toàn bộ vốn Nhà nước được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với mong muốn sẽ chấm dứt tình trạng quản lý yếu kém như thời gian qua.
Quản lý vốn Nhà nước: Sao để hết cảnh "vừa đá bóng, vừa thổi còi?" ảnh 1Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)

Tán thành quan điểm thành lập một cơ quan độc lập để quản lý, giám sát toàn bộ vốn Nhà nước song nhiều chuyên gia kinh tế cũng nghi ngại sẽ có sự chồng chéo, kém hiệu quả nếu không quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và thiếu những con người có "đầu óc" đổi mới.

Nhắc lại ý kiến của Ủy ban Kinh tế về quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại một cơ quan tập trung, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: "Đây là việc làm rất cần thiết."

Theo ông, việc quản lý vốn Nhà nước hiện tại nảy sinh tình trạng, các bộ, tỉnh vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu, vừa là là cơ quan quản lý Nhà nước, tức là "vừa đá bóng, vừa thổi còi." Điều này làm cho quản lý thiếu chặt chẽ hay thậm chí "quản lý chẳng có nhiều tác dụng."

"Quản lý Nhà nước phải đứng trên lợi ích của nhân dân, còn chủ sỡ hữu thì lại nghĩ tới vai trò của mình, hai việc đó hoàn toàn mâu thuẫn," vị chuyên gia này nói.

Ý kiến này cũng được bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế nhiều kinh nghiệm đồng tình. Bà Lan cho hay, đề xuất thành lập một cơ quan độc lập thực tế đã được trao đổi tại một số kỳ diễn đàn kinh tế trước đó và nhận được sự đồng thuận khá lớn.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, chính việc quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc nhiều cơ quan khác nhau nên dẫn tới sự phân tán và "chẳng có ai chịu trách nhiệm thực chất."

"Điều làm người dân bức xúc nhất là tiền bỏ ra rất nhiều nhưng mà mất mát thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả," bà Lan

Theo bà, đây là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng mà người dân cũng thấy trong thời gian qua ở các doanh nghiệp như nợ nần, đi vay, đầu tư tài chính không có kiểm soát,...

Bởi vậy, vị chuyên gia này cho rằng, cần phải có một cơ quan chịu trách nhiệm, giám sát và giải trình để đồng vốn Nhà nước hiệu quả hơn.

Quản lý vốn Nhà nước: Sao để hết cảnh "vừa đá bóng, vừa thổi còi?" ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Tuy vậy, cũng chính bà Lan cũng tỏ ra băn khoăn khi bàn kỹ hơn về mô hình của một cơ quan độc lập có chức năng quản lý, giám sát vốn Nhà nước.

Theo bà, muốn thành lập một cơ quan trên thì trước hết phải chọn được người đứng đầu cũng như đội ngũ thành viên có đầu óc đổi mới.

"Nếu chúng ta đặt vào ban đó một người cũ, cái gì cũng ham ôm, cái gì cũng muốn làm thì lại có xảy ra việc đổ nhiều tiền vào doanh nghiệp nhưng không kiểm soát được," chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ý kiến.

Thậm chí, bà Lan còn đặt ra nghi ngại, nếu không có sự quyết liệt trong trường hợp được thành lập cơ quan này thì rất dễ có tình trạng "cài, cắm" người. Nếu vậy, việc quản lý vốn Nhà nước tại một cơ quan riêng cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Nêu thêm ý kiến, một chuyên gia trong ngành kinh tế lại cho rằng, cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên độc lập với Chính phủ và trực thuộc Quốc hội. Theo ông, đây là mô hình đã được một số nước áp dụng và những cơ quan tương tự ở những nước này đóng vai trò hết sức quan trọng để giám sát dòng vốn.

Không đưa ra ý kiến cụ thể về mô hình của cơ quan quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, cần quy định rõ ràng những gì doanh nghiệp được làm hay những gì phải báo cáo với cơ quan quản lý vốn.

Điều này theo ông Doanh, sẽ trả lời cho những nghi ngại trước đó về việc doanh nghiệp sẽ phải xếp hàng, báo cáo và chờ đợi khi muốn đầu tư.

Tán thành ý kiến của ông Doanh, bà Phạm Chi Lan cũng nhận định, việc tập trung vào một đầu mối quản lý nếu làm tốt thì hoàn toàn không nhiều thời gian như những lo lắng trước đó.

"Trước nhiều mối quản lý quá nên có khi lại mất thời gian, nếu bây giờ có một cơ quan nắm được các vấn đề về tài chính thì việc xem xét, tính toán, quyết định tôi nghĩ là sẽ nhanh hơn," bà Phạm Chi Lan đưa ra ý kiến./.

Trước đó, ngày 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Ủy ban Kinh tế ủng hộ quan điểm thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ để thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đại diện cơ quan này, thực hiện phương án mới sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp Nhà nước như vừa qua.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục