Quan ngại về đà phục hồi nhu cầu năng lượng đẩy dầu châu Á đi xuống

Giá dầu châu Á giảm trong chiều 26/1 khi triển vọng về gói kích thích kinh tế mới cho nước Mỹ suy yếu. Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 28 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống ở mức 55,60 USD/thùng.
Quan ngại về đà phục hồi nhu cầu năng lượng đẩy dầu châu Á đi xuống ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm trong chiều 26/1 khi triển vọng về gói kích thích kinh tế mới cho nước Mỹ suy yếu, còn diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đặt ra câu hỏi về tốc độ phục hồi nhu cầu năng lượng trên thế giới.

Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 28 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống ở mức 55,60 USD/thùng vào lúc 14 giờ 47 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 26 xu Mỹ (0,5%) xuống 52,51 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu trên đều tăng gần 1% vào ngày 25/1.

Dù vừa đạt mức cao nhất của 11 tháng trong giai đoạn gần đây, giá dầu vẫn bị kẹt giữa những quan ngại kéo dài về triển vọng phục hồi của nhu cầu năng lượng thế giới khi đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành.

Những lo ngại này từng được bù đắp nhờ tâm lý lạc quan về các gói kích thích tiềm năng dưới thời chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, các quan chức thuộc chính quyền mới vẫn đang cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp đảng Cộng hòa về việc nền kinh tế cần có thêm các biện pháp kích thích. Điều này làm dấy lên câu hỏi về thời điểm gói chi tiêu bổ sung sẽ được thông qua.

[Biện pháp phong tỏa lan rộng, giá dầu châu Á tiếp tục giảm]

Bên cạnh đó, ngay cả khi tốc độ lây nhiễm COVID-19 suy giảm ở Mỹ, các quốc gia châu Âu đã đặt ra các hạn chế đi lại nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh. Trung Quốc cũng đang báo cáo số ca mắc COVID-19 mới gia tăng, ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu năng lượng ở thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới .

Tuy nhiên, vẫn có những khu vực ghi nhận nhu cầu về dầu còn mạnh mẽ. Tại Ấn Độ, nhập khẩu dầu thô trong tháng 12/2020 tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm do việc nới lỏng các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Về phía nguồn cung, mức cam kết hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh theo thỏa thuận đang đạt trung bình 85% trong tháng 1/2021, theo số liệu từ hãng theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics. Điều này cho thấy các quốc gia đã cải thiện việc tuân thủ cam kết kiểm soát nguồn cung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục