Bài 4: Niềm tin ở những cánh chim mang hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài

Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam

Nhiều nghệ sỹ đang dùng tư duy đổi mới sáng tạo của mình để tăng phần hương vị cho những đặc sản văn hóa kế thừa từ đời cha ông. Họ góp phần gửi thông điệp tích cực về văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới đã lưu diễn khắp thế giới và được khán thính giả khắp nơi chào đón nhiệt tình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới đã lưu diễn khắp thế giới và được khán thính giả khắp nơi chào đón nhiệt tình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bài 4: Niềm tin ở những cánh chim mang hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài

Để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, bên cạnh các sản phẩm văn hóa hữu hình như bản nhạc, bộ phim, cuốn sách… thì chính mỗi con người Việt Nam là một đại sứ văn hóa, mang tinh thần Việt, hệ giá trị Việt với cá tính không thể lẫn với bất kỳ chủ thể của các nền văn hóa nào khác.

Việt Nam tự hào vì có những nghệ sỹ trẻ đang dùng tư duy đổi mới sáng tạo của mình để tăng phần hương vị cho những đặc sản văn hóa cổ truyền kế thừa từ đời cha ông. Họ như những cánh chim mang thông điệp tích cực về văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Niềm tự hào từ nguồn cội

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh (sinh năm 1984) còn nhớ mãi kỷ niệm khi anh 12 tuổi, được sang Nhật biểu diễn với cây sáo trúc đã gắn bó với anh từ nhỏ. Anh đã dùng cây sáo để chơi những bản nhạc truyền thống của “xứ sở Mặt trời mọc” và khiến cho khán giả đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.

Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam ảnh 1Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã cùng cây sáo của mình chu du nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: NVCC)

Chính sự trầm trồ và ánh mắt thán phục của khán giả hôm đó đã khiến Đồng Quang Vinh thêm yêu và tự hào về vốn văn hóa dân tộc. Anh nhận ra rằng kho tàng nhạc khí Việt Nam vô cùng phong phú và giàu sức biểu đạt, như chiếc đàn bầu chỉ có 1 dây mà có thể réo rắt bao thanh âm, đàn K’ni có thể bắt chước tiếng người (tiếng mẹ ru hời, tiếng trẻ khóc oa oa), đàn klông pút thì chơi bằng cách vỗ tay chứ không cần chạm tay vào đàn…

Tình yêu âm nhạc truyền thống đã thôi thúc anh cùng các cộng sự thành lập dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới. Dần dần, dàn nhạc đặc biệt này đã lưu diễn khắp thế giới và được khán thính giả khắp nơi chào đón nhiệt tình.

[Giao lưu nhạc cụ truyền thống Việt Nam-Nhật Bản vì trẻ em vùng cao]

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh xúc động cho biết có những khán giả nước ngoài hay kiều bào Việt Nam rơi nước mắt khi nghe những giai điệu vừa quen vừa lạ từ dàn nhạc Sức Sống Mới, có những người đến tìm gặp các nghệ sỹ, yêu cầu được nghe lại một bản nhạc khiến họ rưng rưng…

“Ngôn ngữ của âm nhạc vượt ra khỏi mọi biên giới. Chúng tôi dùng nhạc cụ truyền thống dân tộc để chơi những bản nhạc kinh điển của Việt Nam và thế giới. Đó là cách hiệu quả để giới thiệu văn hóa nước nhà,” nghệ sỹ chia sẻ.

Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam ảnh 2Dàn nhạc Sức Sống Mới có thể dùng nhạc cụ dân tộc để biểu diễn những bản nhạc kinh điển Việt Nam và thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với kinh nghiệm biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng Việt Nam đang đi theo hướng bảo tồn nhạc dân tộc hơn là phát triển, nghĩa là thiếu sự đầu tư về hạ tầng, nhân lực và cả tác phẩm.

Cụ thể, dàn nhạc dân tộc đang trình diễn những cái tác phẩm được chuyển soạn từ cách đây nhiều năm. Công tác đào tạo cũng thiếu sự bài bản, chuyên nghiệp.

“Có một nghịch lý là các trường nhạc ở Việt Nam chỉ chú trọng đào tạo nghệ sỹ độc tấu. Tôi cho rằng họ phải ngồi trong dàn nhạc thì mới ‘chín’ được. Chơi cùng dàn nhạc sẽ giúp nghệ sỹ luyện tai, củng cố tinh thần đồng đội, nâng cao khả năng điều tiết âm thanh, bổ sung về kỹ thuật và làm quen với nhiều phong cách âm nhạc mới. Vững vàng trong dàn nhạc sẽ giúp nghệ sỹ trưởng thành trên con đường độc tấu,” nhạc trưởng cho biết.

Cũng tìm niềm cảm hứng nghệ thuật từ chất liệu truyền thống, nghệ sỹ Nguyễn Xuân Lam với dự án "Vẽ lại tranh dân gian" là một trong những người trẻ dũng cảm đưa yếu tố đổi mới sáng tạo vào các tác phẩm của mình.

Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam ảnh 3Họa sỹ trẻ Xuân Lam từng tham gia nhiều dự án mỹ thuật của các tổ chức quốc tế. (Ảnh: NVCC)

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa cổ truyền và chất liệu của nước ngoài, Xuân Lam đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bắc cầu cho Việt Nam đến với thế giới, chẳng hạn như chú gấu Buddy – biểu tượng của Berlin (Đức) mang các hoa văn mỹ thuật Việt Nam, mâm ngũ quả bằng gốm sứ với họa tiết cổ của Hà Lan và Việt Nam. Ngoài ra, Xuân Lam cũng có một tác phẩm được trưng bày trong Nhà Quốc hội.

Càng nghiên cứu, sáng tạo, Xuân Lam càng tìm thấy nhiều điều thú vị trong nghệ thuật Việt Nam mà ít người biết đến. Cánh cửa này mở ra cánh cửa khác, Xuân Lam đã có nhiều cơ hội để đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam vào các không gian quốc tế.

“Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nên chưa bao giờ việc học hỏi các bạn bè quốc tế lại dễ như bây giờ. Tôi nghĩ quan trọng nhất là người nghệ sỹ luôn phải giữ một sự cởi mở, không ngừng học hỏi và trung thực với bản thân, với các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc,” Xuân Lam chia sẻ.

“Họ cũng sẽ yêu Việt Nam như tôi đã yêu”

Không chỉ lực lượng văn nghệ sỹ trong nước tích cực cống hiến cho công tác quảng bá văn hóa mà những nghệ sỹ nước ngoài với tình yêu dành cho Việt Nam cũng đang không ngừng sáng tạo để giới thiệu những giá trị nhân văn xuất phát từ quốc gia nghìn năm văn hiến.

Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam ảnh 4Nhà làm phim trẻ người Pháp François Bibonne trong khi thực hiện bộ phim tài liệu 'Once upon a bridge in Vietnam'. (Ảnh: PV/Vietnam+)

François Bibonne là một nhà làm phim trẻ người Pháp và bà nội anh là người Việt Nam. Anh đã dành 15 tháng đến Việt Nam để thực hiện bộ phim tài liệu âm nhạc “Once upon a bridge in Vietnam” (Ngày xửa ngày xưa có một cây cầu ở Việt Nam).

Mới ra mắt vào đầu năm 2022, nhưng bộ phim dài 30 phút này đã kịp giành giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất của Giải thưởng phim Los Angeles tháng 2/2022 và một giải khác tại Liên hoan phim quốc tế New York tháng 3/2022. Tháng 11/2023, anh sẽ giới thiệu bộ phim tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á của Đại học Columbia.

Anh cho biết phim tài liệu tiếp theo của mình tại Việt Nam sẽ xoay quanh sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại của các nhạc cụ Việt Nam và âm thanh điện tử. Anh dự định sẽ đến thăm miền Trung và đặt chân tới vùng núi cao nguyên gần Đà Lạt để đắm mình vào âm nhạc cồng chiêng.

“Tôi muốn giới thiệu tới công chúng Pháp và quốc tế một không gian khác của Việt Nam mà họ chưa từng được biết đến hoặc biết rất ít, đó âm nhạc cổ điển cũng như sự tương phản và giao hòa đầy sáng tạo giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc cổ điển châu Âu tại Việt Nam," Francois chia sẻ.

Trước sự phát triển của mạng xã hội, đạo diễn trẻ bày tỏ mong muốn văn hóa Việt Nam sẽ được giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng, để những người nước ngoài quan tâm đến văn hóa Việt có được nguồn thông tin chính thống, tránh gặp phải những nội dung không phù hợp.

Quảng bá văn hóa ra nước ngoài: Niềm tự hào sức mạnh Việt Nam ảnh 5Ca sỹ-nhạc sỹ Hàn Quốc Joseph Kwon (phải) nhận hoa từ Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trong lễ ra mắt sản phẩm âm nhạc về Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ quan điểm về vấn đề quảng bá văn hóa Việt Nam, ca sỹ-nhạc sỹ Hàn Quốc Joseph Kwon (Joseph Quyền) cho rằng khó có thể giới hạn những nội dung kém chất lượng, thay vào đó, những người yêu văn hóa Việt nên tăng cường sản xuất các sản phẩm quảng bá nét hay, nét đẹp của Việt Nam.

Với tình yêu lớn dành cho Việt Nam, Joseph Kwon khẳng định bản thân sẽ luôn nỗ lực hết mình với tư cách một người làm nghệ thuật để ủng hộ đất nước hình chữ S.

Anh đã thực hiện nhiều tác phẩm âm nhạc thể hiện tình cảm cho Việt Nam như: “Go Vietnam Go Go”, “You are in my heart” (được phát hành bằng tiếng Việt, Hàn Quốc và Anh, “Chả cá hay Peace”, “Remember”, đặc biệt, bài hát “Việt Nam” phát hành năm 2021 đã phủ sóng rộng rãi trên mạng xã hội và được phát trên nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam và Hàn Quốc. Năm 2022, Joseph Kwon ra mắt hai sản phẩm “Tôi vẫn đang chờ bạn, 5.000 năm”(Waiting for you, 5.000 years) và “Bươm bướm bay rợp trời” (Butterfly flakes) để quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam.

Anh tích cực quảng bá sản phẩm trên các kênh cá nhân như Facebook, YouTube, Tiktok, và vinh dự nhận Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2022.

“Tôi mong rằng khán giả quốc tế sẽ biết đến một Việt Nam xinh đẹp, hấp dẫn. Họ sẽ tìm đến Việt Nam để cảm nhận vẻ đẹp văn hóa cũng như sự ấm áp của tình người. Họ cũng sẽ yêu Việt Nam như tôi đã yêu,” nghệ sỹ chia sẻ./.

Xem toàn bộ loạt bài tại đây:

Bài 1: Sức mạnh văn hóa Việt Nam – Mạch ngầm chảy suốt lịch sử dân tộc

Bài 2: ‘Soi’ vào Đề cương về văn hóa để bồi đắp ‘căn cước Việt Nam’

Bài 3: Khơi thông dòng chảy để văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục