Quảng Nam: Tái định cư nửa vời, người dân như sống giữa sa mạc

Khu tái định cư thôn Tây Sơn Đông tuy đã có 42 hộ dân sinh sống nhưng các hạng mục từ đường giao thông, nước sinh hoạt, cây xanh, đều chưa hoàn thiện, người dân như sống giữa sa mạc.

Gần hai năm qua, giữa vùng cát trắng của thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam xuất hiện một khu dân cư mới với những ngôi nhà được xây dựng liền kề.

Đây là một trong những khu tái định cư của 1.200 hộ dân xã Duy Hải để nhường mặt bằng xây dựng Khu đô thị sinh thái du lịch, dịch vụ và Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An.

Tuy nhiên, cũng chừng ấy thời gian 42 hộ (nằm trong tổng số gần 200 hộ tái định cư giai đoạn 1) phải sống cùng với nhiều khó khăn thiếu thốn trong căn nhà nhìn bề ngoài khá là đẹp đẽ.

Tái định cư kiểu "đem con bỏ chợ"

Nghĩ chúng tôi là cán bộ làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên vừa gặp, bà Huỳnh Thị Tài, một trong số những hộ thuộc diện tái định cư đợt đầu, nên chẳng giấu nổi những bức xúc, bất bình: Khu tái định cư này chưa có hạng mục công trình nào được xây dựng hoàn thành cả.

Vào khu tái định cư, việc làm thì chưa ổn định trong khi chi phí cho sinh hoạt hằng ngày lại tăng lên vì tất cả đều phải mua, từ mớ rau đến nước sinh hoạt. Nước sạch mua về không những chỉ để nấu ăn mà nhiều khi còn phục vụ cho cả việc tắm giặt nữa vì nguồn nước ở đây nhiễm phèn nặng.

"Các ông tái định cư kiểu này chẳng khác nào đem con bỏ chợ" - bà Tài kết luận trước khi giận dữ bỏ đi.

Gần hai năm về nơi ở mới, vợ chồng chị Võ Thị Đồng tuy chưa tìm được việc làm ổn định nhưng phải chấp nhận mức chi phí sinh hoạt cao hơn nhiều so với nơi ở cũ. Chị Đồng than thở vì bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào tiền công phụ hồ hằng ngày của chồng.

Khó khăn nhất của người dân trong khu tái định cư này là nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Mỗi tháng, ít nhất gia đình chị cũng phải tốn thêm từ 150-200.000 đồng để mua nước đóng bình về sử dụng.

Do việc xây dựng khu tái định cư dang dở nên hệ thống đường giao thông nội vùng, đường giao thông kết nối với các trục đường chính của xã chưa được hoàn chỉnh khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó hệ thống thoát nước cũng dang dở nên người dân trong khu tái định cư đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhất là trong mùa mưa.

Quy hoạch nửa vời...

Cũng như người dân trong khu tái định cư, ông Võ Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Duy Hải bức xúc không kém.

Việc nhân dân xã Duy Hải di chuyển đến nơi ở mới là chủ trương lớn của tỉnh Quảng Nam nhằm sắp xếp, di dời, tái định cư để phòng tránh thiên tai cho nhân dân vùng bãi ngang ven biển đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có mặt bằng để vào làm ăn nhằm tạo động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Nam nói chung và của xã Duy Hải nói riêng, tạo điều kiện giảm nghèo một cách bền vững.

Đây là một chủ trương lớn và mang tính xã hội cao, để thực hiện xã Duy Hải có 1.200 hộ trên tổng số 1.800 hộ sẽ di dời đến các khu tái định cư rộng trên 200ha.

Mặc dù, địa phương và nhà đầu tư là Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã thống nhất địa điểm xây dựng khu tái định cư tại thôn Tây Sơn Đông có diện tích 39ha để đón những hộ tái định cư đợt đầu. Nhưng trên thực tế, dù mới triển khai xây dựng trên một khu vực diện tích tương đối nhỏ so với toàn dự án tái định cư nhưng nhiều hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu trong khu tái định cư giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn chỉnh và bỏ dở khiến đời sống của người dân trong khu tái định cư thôn Tây Sơn Đông gặp không ít khó khăn.

Quan trọng nhất là nguồn nước sinh hoạt tại chỗ bị nhiễm phèn mặn nên không sử dụng được, buộc người dân phải mua nước đóng bình để sinh hoạt hằng ngày.

Thêm vào đó, do khu tái định cư được xây dựng trên vùng cát trắng, nhưng lại chưa tiến hành trồng cây xanh nên vào dịp nắng nóng kéo dài của mùa hè miền Trung đã biến cuộc sống của người dân như trong hoang mạc, không nước, không bóng cây.

Chưa kể, hệ thống đường giao thông nội vùng, đường giao thông kết nối với tuyến giao thông chính của địa phương cũng "lanh tanh bành"  nên việc đi lại của người dân trong khu tái định cư đã khó khăn lại còn khó khăn hơn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Gây khổ cho dân, tạo tiền lệ xấu 

Điều khiến ông Võ Văn Toàn băn khoăn nhất là không biết vì sao trong quá trình thiết kế và thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư lại không có đường kỹ thuật, đường thoát hiểm giữa các dãy nhà. Không biết nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ “về đâu” và khi xảy ra sự cố, như hỏa hoạn chẳng hạn, thì người dân trong khu tái định cư sẽ thoát ra ngoài bằng cách nào?

Cùng với nỗi khổ do thiếu nước sinh hoạt, việc làm chưa ổn định, chi phí cho sinh hoạt hằng ngày lại tăng lên và điều quan trọng hơn cả là nhiều hạng mục thiết yếu như hệ thống thoát nước, hệ thống đường kỹ thuật, đường giao thông, hệ thống thoát nước bị thi công dở dang, cả khu dân cư không có một bóng cây xanh, trơ trọi giữa cát trắng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Duy Hải Võ Văn Toàn bày tỏ, hiện mới chỉ có 42 hộ vào sống tại khu tái định cư, các hộ còn lại không chịu vào. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra “tiền lệ xấu” trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư của địa phương sau này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục