Quảng Ninh ban hành bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh

Bộ Quy tắc đảm bảo các nguyên tắc: thượng tôn pháp luật; tôn trọng bản thân và người khác; tôn trọng và bảo vệ môi trường; thân thiện, văn minh; trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Quảng Ninh ban hành bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh ảnh 1Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 20/4, tỉnh đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh quy định các cách ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú; ứng xử nơi công cộng và ứng xử trên mạng xã hội.

Bộ Quy tắc đảm bảo các nguyên tắc: thượng tôn pháp luật; tôn trọng bản thân và người khác; tôn trọng và bảo vệ môi trường; thân thiện, văn minh; trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Về ứng xử trong gia đình đó là các cách ứng xử: vợ chồng phải thủy chung, nghĩa tình và bình đẳng; cha mẹ với con cái, ông bà với cháu là trách nhiệm, gương mẫu và yêu thương; ứng xử giữa con cái với cha mẹ, cháu với ông bà là trách nhiệm, hiếu thảo và lễ phép; ứng xử giữa anh, chị em là hòa thuận, chia sẻ.

[Hà Nội triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình]

Về quy tắc ứng xử trong dòng họ là vui buồn chia sẻ, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. Các dòng họ phải bình đẳng và đoàn kết.

Ứng xử trong cộng đồng nơi cư trú: tuân thủ quy định và thuần phong mỹ tục; xây dựng quan hệ láng giềng đoàn kết, tương trợ; chăm sóc và bảo vệ người già, trẻ em bằng cách sống vui, sống khỏe, sống có ích, vì tương lai con em chúng ta; bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, bền vững; tổ chức việc cưới xin phải trang trọng, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, không mê tín dị đoan…

Ứng xử nơi công cộng cần văn minh, lịch sự, đúng quy định. Người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh, làm đẹp quang cảnh đường phố; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tham gia bảo vệ, đóng góp và phát huy giá trị các công trình vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên…

Tại các nhà ga, bến xe, bến tàu, sân bay hay trên phương tiện công cộng cần lịch sự, theo hướng dẫn. Khi tham gia giao thông cần giữ an toàn, đúng pháp luật. Tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần thành kính, trang nghiêm…

Về quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, đối với mỗi cá nhân cần tạo dựng uy tín, bảo vệ bản thân. Khi có vấn đề nảy sinh, các cá nhân không phản hồi, không trả đũa, làm phức tạp tình hình; lưu lại bằng chứng liên quan đến việc bị đe dọa hay quấy rối, tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân và cơ quan bảo vệ pháp luật…

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm các hoạt động của mình khi sử dụng mạng xã hội. Đồng thời cần ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân của cơ quan chủ quản. Không sử dụng hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh, tư liệu của cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp và các bên liên quan nếu không được phép; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi tham gia mạng xã hội.

Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mạng xã hội cần đảm bảo sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, công khai minh bạch các thông tin và giá cả; không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thuộc danh mục cấm kinh doanh; giao tiếp với khách hàng lịch sự, thân thiện, tư vấn nhiệt tình, có trách nhiệm; áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng; tự giác thanh toán, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng mạng xã hội phải đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ theo pháp luật; người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức mình; công khai đầu mối chịu trách nhiệm quản trị, đăng tải nội dung lên mạng xã hội; bảo mật thông tin của công dân khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng xã hội…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục