Quảng Ninh - Địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam

Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại.
Quảng Ninh - Địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam ảnh 1Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái chạy qua những cánh đồng xanh mát mắt của huyện Hải Hà. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo kết quả Báo cáo thường niên PCI 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 11/4 tại Hà Nội, Quảng Ninh được xếp thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.

Năm 2022, Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân bảng xếp hạng PCI năm thứ sáu liên tiếp với điểm số 72,95 trên thang điểm 100.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện hạ tầng giao thông. Qua đó, rút ngắn khoảng cách kết nối giữa các địa phương, vùng miền trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an toàn giao thông.

Đặc biệt, tỉnh dành nguồn lực rất lớn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước, từ đó, gia tăng sức hút cho mỗi địa phương, đảm bảo liên thông đồng bộ, tạo thành vùng động lực cho sự phát triển.

Giai đoạn 2006-2010, Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng Cầu Bãi Cháy, Cầu Bang, một số cầu vượt đường sắt, cầu treo dân sinh. Đồng thời, tập trung xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh (Quốc lộ 18 đoạn Mông Dương-Móng Cái, đường 337, 329, đường 334, đường Trới-Vũ Oai, đường trục chính nối Quốc lộ 18 với Khu Công nghiệp-cảng biển Hải Hà; nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối từ Đền Cửa Ông ra Cầu 1- Vân Đồn; đường nối từ khu công nghiệp Việt Hưng với Quốc lộ 279.

[Thu hút vốn FDI: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Quảng Ninh]

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vào những năm đầu thập niên 2010, điểm nhấn về giao thông duy nhất của Quảng Ninh chỉ có cây cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản.

Các tuyến quốc lộ hầu hết xuống cấp, thiếu tính kết nối vùng, đường tỉnh chỉ đạt cấp IV miền núi, đường liên xã bê tông hóa chỉ đạt trên 30% và xuống cấp. Từ thành phố Hạ Long đến các địa phương khu vực miền Đông, miền Tây của tỉnh, nếu đi bằng ôtô cũng mất từ 2h-5h. Còn từ Hà Nội về đến thành phố Hạ Long cũng phải đi 4h-5h.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã đầu tư mạnh mẽ hơn cho giao thông. Hàng loạt các con đường huyết mạch của tỉnh được đầu tư làm mới hoặc cải tạo, nâng cấp.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Quảng Ninh đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường: Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí-Hạ Long, Quốc lộ 18C đoạn Tiên Yên-Hoành Mô, đường tỉnh 340 huyện Hải Hà, đường tỉnh 329 Mông Dương-Ba Chẽ, đường vành đai phía Bắc thành phố Hạ Long đoạn Vũ Oai- Quang Hanh…

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã nâng cấp, cải tạo 130,3km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7km đường tỉnh; cải tạo, duy tu làm mới 743,6km đường huyện, 2.440,9km đường giao thông nông thôn, miền núi.

Riêng trong năm 2021, tỉnh đã cơ bản hoàn thành cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, đường bao biển nối Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 và đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Quảng Ninh - Địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam ảnh 2Một góc sân bay Vân Đồn. (Ảnh: TTXVN phát)

Đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại.

Hiện nay, Quảng Ninh cũng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu triển khai một số tuyến giao thông chính như Cao tốc Nội Bài-Hạ Long, Cao tốc Lạng Sơn-Tiên Yên, đường sắt Hải Phòng-Hạ Long, đường sắt Hạ Long-Móng Cái...

Đây là những công trình quy mô lớn, hiện đại, mang ý nghĩa đột phá cho diện mạo mới của giao thông Quảng Ninh, góp phần tạo ra nhiều phương thức giao thông trên địa bàn, giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự lãng phí nguồn lực doanh nghiệp, xã hội; khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng cũng như liên kết quốc tế của tỉnh.

Không chỉ phát triển hạ tầng giao thông Quảng Ninh cũng tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Hiện tỉnh có 5 Khu Kinh tế với tổng diện tích 375.171 ha; và 16 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích là 12.886,8ha.

Cùng với đó, Quảng Ninh có 3 Khu kinh tế cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.735ha gồm Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô-Đồng Văn, Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Đồng thời, tỉnh có 2 Khu kinh tế ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích trên 230.436ha, gồm Khu kinh tế ven biển Vân Đồn và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

Cơ sở vật chất du lịch Quảng Ninh có sự phát triển, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng dịch vụ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.133 cơ sở lưu trú du lịch với 38.633 buồng; trong đó 1.639 cơ sở với 32.590 buồng đã xếp hạng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 3 sao trở lên hiện có 72 cơ sở với 9.410 phòng, tăng trên 68% so với năm 2015; có 27 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 24 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 12/13 địa phương được công nhận khu, điểm du lịch với 1 khu du lịch cấp quốc gia; 5 khu du lịch cấp tỉnh, tăng 43% so với năm 2015; 91 điểm du lịch.

Về hạ tầng thương mại, tỉnh Quảng Ninh huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh, góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị và văn hoá tiêu dùng của nhân dân. Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 133 chợ, 34 siêu thị và trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 88 cửa hàng tiện ích và hàng ngàn cửa hàng, điểm bán các mặt hàng thiết yếu trên toàn tỉnh.

Với hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, Quảng Ninh đã giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 -2023 đạt 10,4%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân hàng năm theo Nghị quyết, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh., hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành và chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng), gấp 2,36 lần so với 2015, gấp 4,88 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục