Quảng Ninh thu hút 44.000 tỷ đồng vốn trong nước, về đích sớm nửa năm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thu hút được hơn 44.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, hoàn thành chỉ tiêu này trước nửa năm, đồng thời thu hút 894 triệu USD vốn FDI.
Quảng Ninh thu hút 44.000 tỷ đồng vốn trong nước, về đích sớm nửa năm ảnh 1Một góc Quảng Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Thực hiện chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân," 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thu hút được hơn 44.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (ngoài ngân sách), bằng 102,4% kế hoạch năm 2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tăng 29,8% cùng kỳ (33.923 tỷ đồng).

Như vậy, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chỉ tiêu này trước nửa năm so với kế hoạch năm 2023.

Một số dự án lớn vốn đầu tư trong nước như Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên do Công ty Cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến là 36.034,94 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng lỏng Yên Hưng 792 tỷ đồng...

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh cũng thu hút được 894 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt khoảng 89% chỉ tiêu được giao, trong đó tỉnh đã cấp mới 9 dự án và sẽ hoàn thành cấp mới 5 dự án với tổng nguồn vốn gần 800 triệu USD, còn lại là nguồn vốn điều chỉnh các dự án FDI.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên nhận định mục tiêu năm 2023 thu hút được 1,2 tỷ USD từ các dự án FDI là khả thi và có cơ sở.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 17 dự án, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD) thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Đáng chú ý, phần nhiều dự án FDI đầu tư ở Quảng Ninh là các "dự án thế hệ mới" - công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, sử dụng ít tài nguyên.

[Quảng Ninh thu ngân sách tăng cao, đạt trên 24.100 tỷ đồng]

Bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đó là dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Autoliv Việt Nam, đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.773 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm an toàn cho ôtô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm.

Để đạt được kết quả trên, Quảng Ninh đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổ chức các hội nghị quy mô cấp quốc gia, cấp vùng, gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Tỉnh sớm hoàn thành ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 và triển khai xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng điểm là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách.

Đồng thời, tỉnh xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn, có thương hiệu và uy tín như Tập đoàn Lite-On Technology tới từ Đài Loan (Trung Quốc), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đoàn doanh nghiệp điện tử Đài Loan (Trung Quốc), Tập đoàn Adani và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mitsubishi Corporation Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục