Quảng Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Đài Bắc

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Quảng Ninh luôn xác định ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vào tỉnh, nhất là những lĩnh vực thế mạnh của Đài Loan.
Quảng Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Đài Bắc ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 9/11, tại Quảng Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Hoa) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến được tổ chức là minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tường Văn, Quảng Ninh luôn xác định ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vào tỉnh, nhất là đầu tư vào những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) hiện rất có thế mạnh là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử-bán dẫn... tại địa bàn các khu công nghiệp của tỉnh.

Ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông.

[Quảng Ninh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% mỗi năm]

Là địa phương liên tục 4 năm xếp hạng hàng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam, chính quyền địa phương luôn chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư nên tỉnh Quảng Ninh là địa phương đáng để các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đến hợp tác đầu tư, phát triển.

Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu phát triển, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh;” đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa-hiện đại hóa-đô thị hóa.

Trong số đó, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch.

Với hệ thống 16 khu công nghiệp, 3 khu kinh tế cửa khẩu và 2 khu kinh tế ven biển có tổng diện tích 377.670ha, được phân bố tại 11/13 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch sẽ là dư địa mà tỉnh Quảng Ninh mong muốn tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) nghiên cứu đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.

Quảng Ninh là địa phương liên tục đạt tăng trưởng cao, ổn định và luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%; thu ngân sách nội địa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 7.000 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Quảng Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Đài Bắc ảnh 2 Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Quảng Ninh có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước phát triển đột phá, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế với các công trình động lực kết nối đường bộ, đường thủy và đường không.

Đồng thời, tỉnh cũng đang tập trung, nhanh chóng hoàn thiện các công trình động lực, trọng điểm như đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, Cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả đảm bảo hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2021… tạo ra không gian phát triển mới rộng lớn, bền vững gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị ven biển mở ra cơ hội mới to lớn cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện; rà soát cắt giảm 40-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của pháp luật; nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Quảng Ninh có nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số được tỉnh quan tâm, triển khai đồng bộ. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 85% (cả nước đạt khoảng 65%); trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (cả nước đạt khoảng 25%).

Theo thống kê, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam trong những năm vừa qua, với trên 2.800 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt trên 35 tỷ USD, đứng thứ 4 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư-kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1,1 tỷ USD.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, dù số lượng dự án của nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) tại tỉnh hiện tại còn khá khiêm tốn, với khoảng 10 dự án, tương ứng 138,48 triệu USD, thuộc các lĩnh vực linh kiện điện tử, dệt may…. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Ninh đã thu hút được một số nhà đầu tư Đài Loan có uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế vào đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh như Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn Vỹ Trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục