Quy định không rõ, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế kéo dài tới 5 năm

Qua giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy nhiều vụ giám định tư pháp theo vụ việc phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế còn bị kéo dài, có vụ cá biệt kéo dài tới 5 năm.
Quy định không rõ, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế kéo dài tới 5 năm ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội ngày 25/11 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định - bà Mai Thị Phương Hoa cho biết qua giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy nhiều vụ giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế còn bị kéo dài, có vụ cá biệt kéo dài tới 5 năm.

Một số Bộ, ngành có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, việc kéo dài các vụ án tham nhũng trên có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là luật không quy định thời hạn cụ thể cho các loại giám định tư pháp theo vụ việc.

“Bộ Luật tố tụng hình sự giao cho cơ quan trưng cầu giám định ra thời hạn. Nếu cơ quan này không thể tiến hành giám định đúng thời hạn thì thông báo lại và nêu rõ lý do, nhưng Luật không quy định thời gian kéo dài giám định,” bà Hoa băn khoăn.

Vì vậy, để tháo gỡ bất cập này, nữ đại biểu tán thành dự thảo luật về việc bổ sung Điều 26a quy định về thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp khác tối đa là 3 tháng. Trường hợp đặc biệt là 4 tháng.

[Ông Hoàng Thanh Tùng được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội]

Tuy nhiên, bà Hoa cũng lưu ý, hiện quy định như dự thảo luật vẫn không rõ sẽ được gia hạn đến bao lâu. Trong một số trường hợp sẽ khiến cơ quan tiến hành tố tụng không thể thực hiện được nhiệm vụ. Do vậy, "theo tôi, việc gia hạn phải có thời hạn cụ thể để bảo đảm sự minh bạch, không thể quá dài và cũng không thể bị quá lệ thuộc vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử,” bà Hoa nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn về khó khăn nêu trên, bà Hoa cho rằng trên thực tế, có những vụ án đến gần hết thời hạn điều tra mới phát sinh thêm vấn đề cần giám định. Trong trường hợp này để bảo đảm tính chính xác của việc đánh giá chứng cứ và vụ án, có thể đạt được sự thật khách quan, theo tôi vẫn cần phải đưa đối tượng đi giám định, thậm chí phải chấp nhận tạm đình chỉ vụ án để đợi kết quả giám định.

Ngoài ra, bà Hoa cũng đề nghị song song với việc sửa luật có liên quan đến giám định tư pháp theo vụ việc cần khắc phục những hạn chế như: Việc bổ nhiệm giám định viên trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ cao hiện nay hết sức khó khăn do không tìm được người phù hợp hoặc có trường hợp từ chối không muốn làm giám định viên.

Thậm chí, có giám định viên còn có tâm lý e ngại, sợ gặp rủi ro về mặt pháp lý, không muốn tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập. Một số Bộ, ngành có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, từ chối không thực hiện quyết định trưng cầu giám định. Có vụ việc bộ, ngành từ chối giám định khi chưa có quyết định khởi tố vụ án.

“Đây là những hạn chế có tính chất chủ quan, cần khẩn trương khắc phục trong thời gian tới,” bà Hoa nhấn mạnh.

Quy định không rõ, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế kéo dài tới 5 năm ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần cân nhắc và rà soát kỹ về thời hạn giám định

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng cơ quan soạn thảo cần có cân nhắc và rà soát kỹ việc bổ sung quy định về thời hạn giám định. "Nếu chúng ta bổ sung quy định về thời hạn sẽ gây ra rất nhiều bất cập và rất nhiều vướng mắc sau này,” bà Thủy nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn, bà Thủy cho hay, các quy định của luật tố tụng, hiện nay có 3 luật tố tụng là tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính thì đều đặt ra nguyên tắc mọi hoạt động tố tụng phải tuân theo quy định của luật đó. Giám định viên, giám định tư pháp là người tham gia tố tụng. Vì vậy từ trước tới nay, Luật Giám định qua các lần sửa đổi đều không có thời hạn giám định.

“Chúng tôi thấy dự thảo luật lần này bổ sung Điều 26a quy định về thời hạn giám định và việc gia hạn giám định sẽ dẫn đến mâu thuẫn với thời hạn giải quyết án ngắn hơn thời hạn giám định,” bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy đưa ra ví dụ thời hạn giải quyết án dân sự. Trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử của một vụ án dân sự tại Điều 203 quy định tối đa là 3 tháng, nhưng dự thảo luật hiện nay, thời hạn giám định tối đa được phép 4 tháng đối với loại phức tạp. Có nghĩa là thời hạn giám định lại dài hơn cả thời hạn chuẩn bị xét xử.

[Chính thức thông qua Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức]

“Tương tự như vậy, trong Điều 240 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì thời hạn truy tố đối với tội ít nghiêm trọng với tính chất phức tạp được gia hạn là 1 tháng nhưng thời hạn giám định ở đây lại lên đến 4 tháng. Chúng tôi cũng không biết là sau này đưa ra quy định này thực hiện trong thực tế thì sẽ vướng như thế nào,” bà Thủy băn khoăn.

Một khó khăn nữa được nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đề cập đến là trong điều tra án hình sự. Theo bà Thủy, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự đang quy định tất cả các loại gia hạn thời hạn bao gồm gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn tạm giam đều phải do Viện kiểm sát quyết định.

“Bây giờ đặt ra trường hợp là cả thời hạn điều tra và cả thời hạn giám định cùng hết trong một thời điểm, lại phải chờ cho cơ quan Viện kiểm sát gia hạn thời hạn điều tra thì mới được tiếp tục gia hạn thời hạn giám định, như vậy sẽ làm chậm vụ án,” bà Thủy nêu quan điểm và cho rằng “dự thảo luật đặt ra vấn đề như này không đúng.”

Lý do được bà Thủy giải thích là bởi vì “có những trường hợp gần đến hết thời hạn điều tra mới phát sinh những vật chứng mới, những tài liệu mới cần phải giám định mà bây giờ chỉ còn 10 ngày đã hết thời hạn điều tra, nhưng lại quy định là 3 tháng hoặc 4 tháng mới được hết thời hạn giám định là rất vướng.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục